những cơ hội mới và những không gian mới trong đó con người sẽ đua tranh
để tận dụng tối đa những gì thiên nhiên đã đặt để ở đó. Trong không gian vũ
trụ cũng vậy, sẽ phải trải qua nhiều thế hệ chúng ta mới cắm được những lá
cờ của mình, “chinh phục“ lãnh thổ, tuyên bố chủ quyền và vượt qua những
rào cản mà vũ trụ đặt trên con đường chúng ta đi.
Hiện tại có khoảng 1.100 vệ tinh đang hoạt động trong không gian và Ít
nhất 2.000 vệ tinh không hoạt động. Nga và Hoa Kỳ phóng lên khoảng
2.400 vệ tinh trong tổng số đó, khoảng 100 vệ tinh là của Nhật Bản và một
số lượng tương tự đến từ Trung Quốc, tiếp theo là một loạt các quốc gia
khác với số lượng ít hơn rất nhiều.
Bên dưới chúng là các trạm không gian, nơi lần đầu tiên con người
sống và làm việc lâu dài bên ngoài phạm vi tác động của trọng lực trái đất.
Xa hơn nữa, ít nhất năm lá cờ Hoa Kỳ được cho là vẫn đứng yên trên bề mặt
của Mặt trăng, và còn xa hơn nữa, nhiều máy móc của chúng ta đã vượt qua
sao Hỏa và sao Mộc, một số tiến xa hơn, vượt quá phạm vi của tất cả những
gì chúng ta có thể thấy được và đang cố tìm hiểu.
Thật cám dỗ để nghĩ về những nỗ lực của chúng ta trong không gian
như đang kết nối nhân loại với một tương lai chung và hợp tác. Nhưng trước
tiên vẫn sẽ tiếp tục diễn ra sự cạnh tranh để giành quyền bá chủ trong không
gian vũ trụ. Các vệ tinh không chỉ có mặt ở đó để truyền tín hiệu hình ảnh
tới chiếc TV của chúng ta, hoặc để dự đoán thời tiết: chúng cũng do thám
các nước khác, để xem ai đang có động thái nào ở đâu và về chuyện gì.
Ngoài ra, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bước vào phát triển công nghệ laser, có
thể được sử dụng làm vũ khí, và cả hai nước đều tìm cách đảm bảo rằng họ
có một hệ thống tên lửa có thể hoạt động trong không gian và vô hiệu hóa
tên lửa của đối thủ cạnh tranh. Nhiều quốc gia có nền công nghệ tiên tiến
hiện đang chuẩn bị mọi thứ để phòng khi cần phải chiến đấu trong không
gian.