đến sự di cư ồ ạt của con người. Nếu quả thực định mệnh đã an bài cho
Maldives và nhiều hòn đảo khác phải chìm khuất trong sóng nước, tác động
đó sẽ không chỉ ảnh hưởng lên những người kịp ra đi trước khi quá muộn,
mà còn ảnh hưởng đến cả các quốc gia mà họ đến tị nạn. Nếu vấn đề lũ lụt ở
Bangladesh trở nên trầm trọng hơn, tương lai của xứ sở đó và 160 triệu con
người sẽ vô cùng thê thảm; nếu mực nước dâng cao hơn nhiêu, đất nước
nghèo khó này có thể sẽ biến mất. Và nếu hiện tượng sa mạc hóa các dải đất
phía nam Sahel tiếp diễn, khi đó các cuộc chiến như ở Darfur và Sudan (một
phần gây ra bởi sa mạc xâm lấn nơi sinh sống của các bộ tộc du mục ở phía
bắc, do đó đẩy họ di chuyển xuống vùng của người Eur ở phía nam) sẽ dữ
dội và lan rộng hơn.
Chiến tranh nguồn nước là một vấn đề tiềm tàng. Ngay cho dù các nền
dân chủ ổn định xuất hiện ở Trung Đông trong những thập niên tới, nếu
nguồn nước của sông Murat, khởi nguồn ở Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đổ vào
sông Euphrates, giảm đi đáng kể, thì những con đập mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải
xây dựng để bảo vệ nguồn sinh sống của nó có thể sẽ dễ dàng trở thành
nguyên nhân cho cuộc chiến với Syria và Iraq ở vùng hạ lưu.
Nhìn xa hơn về phía trước, khi chúng ta tiếp tục bứt phá khỏi nhà tù địa
lý của mình để vươn vào vũ trụ, các cuộc đấu đá chính trị vẫn sẽ tồn tại
trong không gian, ít nhất là trong tương lai gần.
Nhân loại lần đầu tiên tiến vào lớp trên cùng của tầng bình lưu vào năm
1961 khi phi hành gia Liên Xô hai mươi bảy tuổi Yuri Gagarin bay vào vũ
trụ trên con tàu Vostok 1. Nhưng sự việc một người Nga khác là
Kalashnikov, người chế tạo khẩu AK-47, thậm chí còn nổi danh hơn gợi nên
một nỗi buồn về nhân sinh. Gagarin, Buzz Aldrin và nhiều người khác là
hậu duệ của Marco Polo và Christopher Columbus, những con người tiên
phong đã mở đường vượt qua những ranh giới và thay đổi thế giới theo
những cách thức mà sinh thời họ không thể tưởng tượng nổi. Cho dù thay
đổi tốt hơn hay tệ hơn, thì đó không phải là vấn đề; họ đã khám phá ra