CHỦ QUAN, KHÁCH QUAN
Hai danh từ chủ quan và khách quan được dùng rất nhiều ít lâu nay, có
khi thành lạm dụng.
Chủ quan là dựa trên nhận thức riêng của mình, có khi trúng, nhưng có
khi sai vì không dựa trên thực tế khách quan. Thí dụ : bàn về chiến tranh
Việt Nam, anh X đưa ra những nhận định chủ quan quá, bị nhiều người
phản đối.
Từ chủ quan phát sinh ra bệnh chủ quan. Bệnh này được nhắc tới
nhiều từ khi XYZ viết về cách thay đổi lề lối làm việc. Bệnh này nói về
khuyết điểm của những người chỉ căn cứ vào ý kiến riêng của mình, nhận
xét riêng của mình mà phán đoán mọi việc và cho mình là phải.
Trái với chủ quan là khách quan. Khách quan là danh từ nói về thái độ
nhận xét sự vật căn cứ vào sự thật ở bên ngoài, không có ý riêng của cá
nhân và sự thất ấy cụ thể không ai chối cãi được.
Thí dụ : Anh K. nói về vấn đề ấy hay lắm. Anh tỏ ra công bằng, ngay
thẳng và có một nhận định hết sức khách quan.
Nhân nói về danh từ « chủ » trong chủ quan, ta cũng nên biết thêm
mấy danh từ mới bắt đầu bằng chữ « chủ ».
Chủ chốt : cốt yếu. Thí dụ : Tổng thống là chủ chốt trong vụ tăng thuế.
Chủ chiến là chủ trương đánh nhau.
Chủ điểm là đề tài chung của các bài học dạy trong một thời gian. Thí
dụ : Tháng này chủ điểm bài quốc văn lớp năm là mùa xuân. Chữ « chủ đề
» cũng tương tự như chủ điểm. Thí dụ : Kỳ này báo Văn Học lấy chủ đề «
Văn chương Việt Nam với các cuộc hôn nhân ngoại chủng ».
Chủ hòa là chủ trương không đánh nhau. Thí dụ : Phe chủ hòa bên Mỹ
lại dục dịch xuống đường để phản đối chiến tranh ở Việt Nam.