TAM SINH, TAM VÔ, TAM SAO
Tam sinh, về mặt tôn giáo, có nghĩa là con người chết đi sống lại ba
lần mới thực hết kiếp. Vì thế ta thường gọi kiếp người là kiếp « ba sinh ».
Song riêng trong việc lễ bái, lễ tam sinh lại có nghĩa là cái lễ mà đồ cúng là
ba con vật. Ba vật ấy hoặc lớn có trâu, heo, dê ; nhỏ thì có gà, cua, tôm
v.v…
Tam vô là ba cái không. Trong kinh Lễ nói : Nhạc tấu không có thanh
âm là một cái không ; tế lễ mà không có nghi thức là hai cái không ; tang
chế mà không có vật để trở (khăn trắng, gậy vông…) là ba cái không.
Ba cái không hay là ba điều tối kỵ.
Trong thời kỳ chiến tranh để giữ bí mật, người ta cũng đề ra khẩu hiệu
« tam vô » tức không nghe, không thấy, không biết, để ứng phó với gián
điệp đối phương muốn dò la, thăm hỏi tình hình.
Chủ nghĩa cộng sản cũng có khẩu hiệu « tam vô » tức khi tiến lên xã
hội cộng sản thì không còn giai cấp (Đảng) ; không còn chính phủ và
không còn tôn giáo (vô giai cấp, vô chính phủ, vô tôn giáo).
Tam vô của cộng sản đi theo với « nhị các » (tức tiếng tắt của thành
ngữ « Các tận sở năng, các thụ sở nhu » có nghĩa là làm hết khả năng của
mình và hưởng thụ tất cả những vật mà mình cần).
« Tam vô nhị các » là những khẩu hiệu không tưởng.
Tam sao thất bản có hai nghĩa, hiểu theo nghĩa nào cũng được cả.
1) Ba lần sao chép lại thì mất nguyên bản (thất là mất).
2) ba lần sao chép lại thì bảy bản khác nhau (thất là bảy).
Đến nay, không ai rõ các cụ ta ngày xưa viết chữ « thất » nào. Song cả
hai đều có nghĩa. Sao chép nhiều bản, thì làm sao tránh được cho nguyên
văn khỏi bị sai lệch ?