KHỦNG HOẢNG KINH TẾ, CHÁNH TRỊ, NỘI
CÁC, KHỦNG HOẢNG THIẾU, KHỦNG
HOẢNG THỪA
Khủng hoảng nói chung là rối loạn, mất thăng bằng cần thiết. Danh từ
khủng hoảng được áp dụng nhiều trong tình trạng kinh tế cho nên thoạt đầu
danh từ khủng hoảng có nghĩa là tình trạng rối loạn trong nền kinh tế tư
bản, do sức sản xuất và sức tiêu thụ không đồng đều, không thăng bằng,
khiến cho dân chúng thiếu thốn, khó sống, vất vả.
Về sau này, danh từ khủng hoảng được dùng với một tính cách rộng
rãi hơn để chỉ tất cả cái gì mất thăng bằng (khủng hoảng tinh thần, khủng
hoảng tình cảm) rồi do đó có danh từ « tổng khủng hoảng » để chỉ sự khủng
hoảng toàn diện của cả hệ thống tư bản và vô sản thế giới thể hiện ở chiến
tranh và cách mạng, ở sự đấu tranh giữa hai chủ nghĩa vô sản và tư bản.
Khủng hoảng chánh trị là sự rối loạn trong nền chánh trị tư bản cũng
như vô sản, do sự đấu tranh của giai cấp bị áp bức đối với chánh quyền và
mối tương quan lực lượng giai cấp biến đổi.
Khủng hoảng nội các khác khủng hoảng chánh trị. Khủng hoảng nội
các là sự rối loạn trong việc thành lập nội các mới, nội các cũ bị lật nhưng
nội các mới thì chưa thành lập được.
Mặt khác, trong lãnh vực kinh tế, còn mấy danh từ liên quan đến
khủng hoảng nữa.
Khủng hoảng chu kỳ tức là sự khủng hoảng của nền kinh tế cứ sau
một thời gian lại bùng ra.
Khủng hoảng thừa tức là sự khủng hoảng kinh tế do mức sản xuất quá
nhiều so với sức mua của người dân, làm cho hàng hóa ứ đọng, giá hàng sụt
xuống, nhà máy phải đóng cửa, công nhân mất việc làm.