Lưu ý:
Một số trẻ rất nhạy cảm với sự không ủng hộ của bố mẹ. Với chúng,
những câu nói mạnh bạo kiểu như “Mẹ tức giận” hoặc “Việc đó làm ba điên tiết”
là vượt quá sức chịu đựng của chúng. Và để trả miếng, chúng có thể đáp lại một
cách dằn dỗi kiểu như “Hừ, thế thì con cũng bực mình ba!”. Với những trẻ như
thế này, cách tốt nhất là nêu rõ niềm mong chờ của bạn. Ví dụ, thay vì nói “Ba
tức giận vì con kéo đuôi con mèo” thì sẽ hữu ích hơn khi nói “Ba mong là con tử
tế với động vật.”
V. Viết mẩu thư nhắn.
Hầu hết trẻ đều rất thích nhận được mẩu thư nhắn – kể cả trẻ biết đọc lẫn trẻ
không biết đọc. Trẻ nhỏ thường rất sung sướng khi nhận được thông điệp viết
trên giấy từ ba mẹ chúng. Điều đó khích lệ chúng viết hay vẽ thông điệp gửi lại
cho cha mẹ.
Những trẻ lớn hơn cũng thích nhận được mẩu thư nhắn. Một nhóm trẻ tuổi
vị thành niên mà chúng tôi làm việc chung bày tỏ với chúng tôi rằng nhận được
mẩu thư nhắn khiến chúng cảm thấy “như nhận được thư của bạn bè vậy”. Mẩu
thư nhắn chứng tỏ rằng cha mẹ chúng quan tâm đến chúng đến mức có thể
dành thời gian và công sức khó nhọc để viết ra gửi chúng. Một cậu bé thổ lộ,
điều khiến nó cảm kích khi nhận được mẩu thư nhắn là nó “không phải nghe
thêm tiếng la mắng hay kêu rêu gì nữa”.
Những phụ huynh cũng ghi nhận tương tự về việc sử dụng mẩu thư nhắn. Họ
nói đó là một cách nhanh chóng và dễ dàng để chịu đựng bọn trẻ, và thường
lưu lại dư vị dễ chịu sau đó.
Một bà mẹ kể cho chúng tôi nghe bà luôn để sẵn trên kệ bếp một tập giấy và
hàng chục cây viết chì bỏ vào một cái ca uống cà phê cũ. Rất nhiều lần trong
tuần bà thấy mình rơi vào tình huống phải rát cổ họng yêu cầu đám con làm
một điều gì đó lặp đi lặp lại mãi đến nỗi chúng không thèm để ý tới bà luôn;
hoặc là bà sẽ chịu thua chúng và phải tự mình đi làm những việc vặt.