xử lý những câu nói kiểu như:
“Đây không phải là lúc thuận tiện cho mẹ xem bài tiểu luận của con. Mẹ
đang căng thẳng và đang bận. Để sau bữa tối mẹ sẽ chú ý thật kỹ đến nó.”
“Tốt hơn hãy tránh xa mẹ một lát đi. Bây giờ mẹ đang cảm thấy bực bội và
không có tâm trí để lo cho việc của con.”
Một bà mẹ đơn thân đang nuôi dạy hai cậu con trai kể rằng, bà đã từng hay
phát cáu với chính mình vì không kiên nhẫn được với các con. Cuối cùng bà
quyết định sẽ cố thừa nhận cảm xúc của mình hơn nữa, và sẽ để cho các con
biết về tâm trạng của mình... ở mức chúng có thể hiểu được.
Bà bắt đầu nói đại loại như “Bây giờ mẹ kiên nhẫn to bằng quả dưa hấu”. Sau
nữa bà bảo “Ừm, giờ thì lòng kiên nhẫn của mẹ chỉ còn bằng trái nho thôi”. Và
một hồi sau bà tuyên bố “giờ thì nó có kích thước chỉ bằng hạt đậu. Mẹ nghĩ
chúng ta phải bỏ cuộc thôi không thì nó teo rút mất tiêu luôn.”
Bà biết lũ trẻ xem điều đó rất nghiêm túc, bởi vì một tối nọ, con trai của bà
bảo: “Mẹ, giờ thì lòng kiên nhẫn của mẹ to bằng cái gì? Mẹ đọc truyện cho tụi
con nghe được không?”
Vẫn có những người khác tỏ ra băn khoăn về kỹ năng mô tả cảm xúc của họ.
Nếu họ chia sẻ cảm xúc thật của mình, thì có khiến họ trở nên dễ bị tổn
thương? Giả sử họ nói với lũ con của mình “Điều đó làm mẹ bực mình” và lũ trẻ
đáp lại “Ai thèm quan tâm” thì sao?
Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy những trẻ mà cảm xúc của chúng được
tôn trọng thường cũng sẽ tôn trọng những cảm xúc của người lớn. Tuy nhiên,
cũng có giai đoạn chuyển tiếp mà trong đó bạn bị dội một gáo nước lạnh “Ai
thèm quan tâm?”. Nếu việc đó xảy ra thì bạn hãy cho trẻ biết: “Mẹ quan tâm.
Mẹ quan tâm về việc mẹ cảm thấy gì . Và mẹ khuyến khích các con cũng nên
quan tâm đến cảm xúc của mẹ. Mẹ mong rằng trong gia đình mình tất cả chúng
ta đều quan tâm đến cảm xúc của nhau!”.