Thế là bạn đã dò tìm ra những phản ứng của bạn đối với những cách đối đáp
điển hình mà mọi người hay nói trong tình huống này. Bây giờ tôi muốn chia
sẻ với bạn một số kiểu phản ứng của cá nhân tôi. Khi tôi bực mình hay đang bị
tổn thương, điều cuối cùng tôi muốn nghe là lời khuyên, triết lý, phân tích tâm
lý, hoặc bày tỏ quan điểm của người kia. Kiểu nói như thế chỉ tổ càng khiến tôi
cảm thấy tệ hại hơn trước. Thương hại khiến tôi cảm thấy mình đáng khinh;
chất vấn khiến tôi co vòi phòng thủ; và điên tiết nhất trong tất cả các kiểu đối
đáp này là khi nghe người kia nói: “Ôi, thôi, quên đi... khơi nó lên nữa thì có
ích lợi gì?”
Nhưng để tôi thật sự lắng nghe bạn nói, hãy công nhận nỗi đau bên trong
lòng tôi và cho tôi cơ hội nói thêm về những gì khiến tôi bực bội, như thế thì
tôi sẽ bắt đầu dịu đi, bớt rối trí hơn, tôi sẽ sáng suốt hơn với cảm xúc của mình
và sẽ tìm cách tháo gỡ vấn đề.
Có thể, khi đã nguôi bớt tôi sẽ tự nhủ, “Sếp của mình bình thường rất công
bằng... Mình nghĩ mình nên thu xếp làm cái báo cáo đó ngay lập tức và viết
báo cáo đó sẽ là ưu tiên đầu tiên của mình vào sáng mai... Nhưng khi mình
mang báo cáo vào văn phòng của sếp để nộp, mình sẽ cho ông biết mình đã
nghẹn họng như thế nào khi bị nói như vậy... Và mình cũng cho ông ấy biết
rằng từ giờ trở đi, nếu ông có phê bình mình thì mình sẽ cảm kích nếu được
phê bình riêng.”
Quy trình này không khác gì đối với con cái chúng ta. Bọn chúng cũng có
thể tự giúp mình tháo gỡ khúc mắc của mình nếu chúng có được một cái tai
biết lắng nghe và nhận được một kiểu phản hồi đầy thông cảm. Nhưng ngôn
ngữ cảm thông không tự nhiên vuột ra khỏi miệng chúng ta. Nó không thuộc
về “tiếng mẹ đẻ” của chúng ta. Hầu hết chúng ta lớn lên hay bị khước từ cảm
xúc. Để trở nên nhuần nhuyễn với ngôn ngữ mới của sự công nhận này, chúng
ta cần phải học và luyện tập những phương pháp của nó. Sau đây là một số
phương pháp giúp con cái xử lý cảm xúc của chúng.