Trong những năm sau đó, chúng tôi đi khắp đất nước, tổ chức hội thảo cho
phụ huynh, giáo viên, hiệu trưởng, nhân viên bệnh viện, thanh thiếu niên,
những người làm công tác xã hội phụ trách việc chăm sóc trẻ em. Bất cứ nơi
nào chúng tôi đến, mọi người đều chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm
riêng tư của họ – với những phương pháp thông tin liên lạc mới, những nghi
ngờ, thất vọng, những bầu nhiệt huyết của họ. Chúng tôi biết ơn họ đã phóng
khoáng mở lòng chia sẻ và học hỏi từ tất cả họ. Cặp hồ sơ của chúng tôi luôn
dày lên với những tài liệu mới, thú vị.
Đồng thời những cánh thư vẫn không ngớt gửi về cho chúng tôi, không chỉ
từ nước Mỹ, mà còn từ Pháp, Canada, Israel, New Zealand, Philippines, Ấn Độ.
Bà Anagha Ganpule từ New Delhi viết: “Có nhiều vấn đề mà tôi muốn được
nhờ quý vị tư vấn... Vui lòng cho tôi biết tôi có thể làm gì để nghiên cứu chiều
sâu của đề tài này. Tôi đã lâm vào ngõ cụt. Những phương pháp cũ đều không
thích hợp với tôi, trong khi tôi không biết những kỹ năng mới. Vui lòng giúp
tôi tháo gỡ vấn đề này.”
Chính nội dung của lá thư đó đã lay động chúng tôi.
Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ lại về khả năng viết một quyển sách “bí kíp”.
Càng bàn luận về ý tưởng này, chúng tôi càng thấy thoải mái với nó. Tại sao lại
không có một quyển “bí kíp” với những bài tập cho phụ huynh có thể tự học
những kỹ năng mới mà họ muốn biết?
Tại sao lại không có một quyển sách mang lại cho phụ huynh cơ hội luyện
tập những gì họ đã học theo tốc độ tùy ý họ, luyện một mình hay cùng luyện
với bạn bè họ?
Tại sao lại không có một quyển sách với hàng trăm ví dụ, mẩu đối thoại hữu
ích để phụ huynh có thể ứng dụng ngôn ngữ mới này vào phong cách cá nhân
của họ?
Tại sao lại không có một quyển sách có tranh minh họa, chỉ ra những kỹ