Chương 3. Những nguyên lý sai lầm
về bản chất:
Không có phương thức đúng đắn để làm việc sai lầm
Có một vài phương thức hành xử với con cái luôn luôn sai lầm: chúng không
chỉ khiến cha mẹ thất bại trong việc thực thi những mục tiêu dài hạn mà còn
tạo ra những mâu thuẫn khó giải quyết trong gia đình. Chúng thường bao
gồm: dọa nạt, hối lộ, hứa hẹn, mỉa mai, nói nặng lời, quở mắng vì nói dối và
ăn trộm, hay dùng cách thô lỗ để dạy trẻ về phép lịch sự.
Dọa nạt: Lời khuyến khích trẻ làm điều sai trái
Đối với trẻ con, dọa nạt đồng nghĩa với sự khuyến khích lặp lại hành động bị
cấm đoán. Khi một đứa trẻ phải nghe câu “Nếu con làm thế một lần nữa,” nó
sẽ không nghe cụm từ “nếu con” mà chỉ nghe thấy “làm thế một lần nữa.” Đôi
khi, thông điệp được hiểu thành: Mẹ mong muốn mình làm thế một lần nữa,
nếu không mẹ sẽ thất vọng. Những lời răn theo kiểu như vậy được cho là rất
đúng đắn và dễ hiểu đối với người lớn nhưng không hiệu quả và còn rất tai
hại với trẻ. Chúng chắc chắn sẽ khiến hành động sai trái được lặp lại. Mỗi lời
cảnh báo giống như một thách thức đối với ý chí của trẻ. Nếu có lòng tự tôn,
đứa trẻ sẽ vượt qua giới hạn một lần nữa nhằm chứng tỏ với chính mình và
với những người xung quanh rằng nó không ngại đáp lại một sự thách thức.
Cậu bé Oliver, 5 tuổi, vẫn tiếp tục ném bóng vào cửa sổ phòng ngủ bất chấp
rất nhiều lời cảnh báo. Cuối cùng bố cậu nói: “Nếu quả bóng đó còn va vào
cửa sổ một lần nữa, bố sẽ đánh con một trận nhừ tử. Bố hứa đấy.” Chỉ một
phút sau, tiếng kính vỡ báo hiệu cho bố Oliver biết lời cảnh báo của mình đã
có tác dụng: quả bóng đã đập vào kính cửa sổ. Cảnh tượng diễn ra sau chuỗi
lời đe dọa, hứa hẹn cùng hành vi đáp trả có thể được hình dung ra một cách
dễ dàng. Ngược lại, câu chuyện sau đây lại cho thấy cách ứng phó hiệu quả
với hành động sai trái mà không cần đến lời đe dọa.
57