Chương 4.Trách nhiệm:
Truyền đạt giá trị, đừng đòi hỏi sự phục tùng
Hầu hết các bậc cha mẹ đều đang tìm cách dạy cho con cái mình về tinh thần
trách nhiệm mọi lúc mọi nơi. Trong nhiều gia đình, để trẻ làm việc nhà được
cho là một giải pháp. Để trẻ đổ rác, dọn cơm, cắt cỏ, rửa bát là phương thức
mà nhiều phụ huynh tin sẽ dạy cho những đứa con đang khôn lớn của mình về
trách nhiệm. Tuy nhiên, dù thực tế là những công việc đó rất quan trọng đối
với công tác quản lý gia đình nhưng chúng không mang lại tác động tích cực
trong quá trình xây dựng tinh thần trách nhiệm của trẻ. Ngược lại, chúng còn
gây ra những cuộc cãi vã thường nhật trong một số gia đình, đồng thời trở
thành nguyên nhân của những bực bội cho cả cha mẹ và con cái. Kiên quyết
ép buộc trẻ làm việc nhà có thể khiến trẻ phục tùng và bếp ăn hay sân vườn
trông sạch sẽ hơn, nhưng điều đó cũng có thể tạo ra những tác động không
mong muốn trong quá trình hình thành tính cách của trẻ.
Một thực tế rất rõ ràng là tinh thần trách nhiệm là điều không thể áp đặt được.
Nó chỉ có thể được hình thành từ bản thân mỗi người, được nuôi dưỡng và
định hướng bởi những giá trị được tiếp thu từ gia đình và xã hội. Trách nhiệm
không gắn với những giá trị tích cực có thể trở thành điều nguy hiểm và đi
ngược với các chuẩn mực xã hội. Thành viên trong các băng đảng tội phạm
thường thể hiện sự trung thành tuyệt đối và trách nhiệm cao độ trong mối
quan hệ với các thành viên khác và với băng đảng của chúng. Những kẻ
khủng bố sẵn sàng liều chết để thực hiện nhiệm vụ được giao, chúng phục
tùng mệnh lệnh, ngay cả khi mệnh lệnh ấy buộc chúng hy sinh cả mạng sống
của chính mình.
Cội nguồn của tinh thần trách nhiệm
Trong khi mong muốn con cái mình trở thành những con người có trách
nhiệm, chúng ta muốn ý thức trách nhiệm của chúng bắt nguồn từ những giá
trị cơ bản, trong đó có sự trân trọng cuộc sống và quan tâm tới hạnh phúc của
73