ngược lại còn phản tác dụng. Hệ tiêu hóa của cơ thể con người luôn chịu
ảnh hưởng từ cảm xúc, khi con người mệt mỏi hay tâm trạng không tốt, cơ
thể sinh bệnh, việc bài tiết sẽ trở nên thất thường. Nếu lúc này có đồ ăn đi
vào đường tiêu hóa, chúng có khả năng sẽ ngưng tại ruột và dạ dày, trở
thành vật chất có độc. Cho nên, lúc cơ thể không được khỏe, tâm trạng
không tốt, chúng ta luôn cảm thấy rất khó chịu khi ăn.
Thực chất, ý nghĩa thật sự của việc tuyệt thực theo Phật giáo là để
luyện tập linh tính, bởi vì khi tuyệt thực, cơ thể sẽ tiết kiệm được một
lượng năng lượng đáng kể vốn dùng để tiêu hóa đồ ăn, bộ não sẽ càng tỉnh
táo hơn lúc bình thường. Đại sư Hoằng Nhất cho rằng, sau khi tuyệt thực,
đầu óc cực kỳ tỉnh táo, các giác quan cực kỳ nhạy bén, những gì bình
thường không nghe thấy, không hiểu được, đều có thể nghe thấy, hiểu
được. Điều này cho thấy, nội tâm tĩnh lặng sẽ giúp ích cho việc tăng khả
năng nhận thức của chúng ta. “Tuyệt thực” là một cách để thanh tịnh cơ thể
và ham muốn, tâm thanh tịnh rồi, con người mới có thể nhìn thấy bản chất
vốn có của mình, mới có thể sinh hoạt theo kiểu cách của mình. Phật Tổ
Thích Ca Mâu Ni từng nhiều lần suy tưởng bằng phương thức tuyệt thực,
cuối cùng cũng mở tâm trí lĩnh ngộ dưới cây bồ đề. Đối với người tu
hành, tuyệt thực có thể giúp cho đầu óc tỉnh táo hơn. Đương nhiên, người
thường rất ít khi dùng cách tuyệt thực để duy trì sự tỉnh táo cho đầu óc.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thử các cách khác: giảm thiểu lượng thức
ăn, khống chế ham muốn, loại bỏ những thứ rắc rối phức tạp… không
ngừng thanh lọc rác rưởi trong tinh thần, giữ đầu óc tỉnh táo. Bụng ăn quá
no thì đầu không đủ tỉnh táo, huống chi mỗi ngày còn phải đối mặt với
nhiều phiền não, khi đó con người khó mà giữ được tâm hồn thanh thản để
tư duy nhanh nhạy. Muốn giữ đầu óc tỉnh táo và tư duy lý trí, lúc nào cũng
cần loại bỏ ham muốn và những yếu tố quấy nhiễu suy nghĩ của ta.