“Tôi luyện viết chữ từ năm bảy tuổi, hồi ấy hay lấy bừa một tờ giấy,
viết linh tinh vài chữ rồi bỏ. Mẹ tôi nhìn thấy thì nghiêm mặt, nói: “Con
phải biết, khi cha con còn sống, đừng nói là không được lãng phí một tờ
giấy lớn như vậy, mà ngay tới một mảnh giấy thôi, cũng không được tùy
tiện vứt đi!” Lời mẹ nói có nghĩa là phải biết trân trọng phúc khí. Tôi được
nuôi dạy như vậy và nó đã khắc sâu trong tâm trí tôi. Sau này khi lớn tuổi
rồi, tôi cũng luôn trân trọng quần áo, đồ ăn; thói quen đó được duy trì cho
tới tận bây giờ. Đôi giày màu vàng tôi đang đi là món quà tôi được một
người xuất gia tặng hồi năm 1920 ở Hàng Châu. Nếu các vị rảnh rỗi, có
thể đến xem phòng tôi, chăn gối mùng mền vẫn là thứ mà người xuất gia
trước đây đã dùng; còn có một chiếc ô của phương Tây, cũng được mua từ
năm 1911. Mấy thứ này đều có chỗ rách nát, tôi đã nhờ người khâu lại và
vẫn luôn tận dụng chúng. Có điều, những thứ như quần dài và đôi giày cỏ
la hán mà tôi đang mặc, thì 5, 6 năm phải thay một lần. Ngoài ra, tất cả
quần áo đồ đạc đa số đều là đồ cũ của tôi từ khi chưa xuất gia hoặc lúc
mới vào cửa chùa.
Trước đây thường có người tặng tôi quần áo và nhiều món đồ quý,
nhưng hơn một nửa số đó tôi đem tặng cho người khác, bởi vì tôi biết
mình phúc mỏng, đồ tốt cũng không dám dùng. Ví như đồ ăn, chỉ lúc nào
bị bệnh mới ăn đồ ngon một chút.
Trân trọng phúc khí không phải chủ trương của một mình tôi, mà ngay
cả đại sư Tịnh Thổ Tông Đại Đức Ấn Quang cũng như vậy, có người tặng
cho ông mấy thứ đồ bổ như mộc nhĩ trắng, ông thường không chịu ăn, mà
chuyển đến chùa Quan Tông để cung dưỡng đại sư Đế Nhàn. Người khác
hỏi ông: “Đại sư! Tại sao đại sư không ăn đồ bổ?” Ông nói: “Phúc khí của
ta mỏng manh, không hưởng nổi.”