quá bữa rồi mà không ăn, bởi vì nó giúp ích cho tiêu hóa, không uống
nhiều được.”
Đồ tốt không thể dùng thường xuyên, đây cũng là một biểu hiện của
việc trân trọng phúc khí. Nếu như chúng ta thường xuyên hưởng thụ đồ tốt
thì lâu dần sẽ thành thói quen, một khi không có thì sẽ cảm thấy không
thoải mái, không tự tại.
Chúng ta thường than vãn bản thân có quá ít, nhưng lại lơ là với những
gì đang có, đến khi mất đi mới hối hận vì đã không trân trọng nó, mới biết
trước đây mình sống trong phúc mà không biết hưởng phúc. Thật ra, nếu
một người sống đầy đủ đến mức tiêu tiền như nước, thì đó cũng chính là
lúc người đó sắp dùng hết phúc khí. Chỉ tới khi hết phúc khí, chúng ta mới
biết được trước đây mình đã giàu có thế nào. Đáng tiếc, khi giàu có, chúng
ta lại chưa từng hưởng thụ một ngày vui vẻ.
Dẫu cuộc sống không quá đủ đầy, nhưng chỉ cần chú tâm thu xếp,
chúng ta vẫn có thể cảm nhận được hạnh phúc của riêng mình. Đến một bát
cơm trắng còn có mùi thơm của nó cơ mà. Thế nhưng nhiều người mãi
đến khi bụng đói cồn cào mới biết được hương vị của một bát cơm trắng.
Hãy sống cuộc sống bình thường ngày ba bữa cơm và cảm thấy thỏa mãn
với nó, thậm chí có thể bớt dùng mấy phần phúc khí, gom góp giữ lại để
sau này dùng dần, chứ không dùng hết một lần.
Chúng ta luôn quen nhìn lên trên và so sánh mình với những người
sống tốt hơn, vậy nên, bất kể bản thân có bao nhiêu, cũng không thể khiến
mình hạnh phúc. Nếu như chúng ta có thể nhìn xuống dưới, nhìn những
người có ít hơn mình, thì bạn sẽ biết bản thân hạnh phúc tới nhường nào.
Nhìn nhận cuộc sống như vậy thì cho dù ở trong cảnh nguy khốn, ta cũng
sẽ cảm thấy hạnh phúc. Bởi vì có được sinh mệnh này chính là niềm hạnh
phúc lớn nhất trong cuộc sống.