Vì các ông sở Nam Việt đóng cửa, lại là đêm chủ nhựt nên phái
viên Reuter chưa thể xin giới hữu trách xác nhận danh tánh nạn nhân và chi
tiết của vụ ám sát.
Theo phái viên Reuter, thì nhân vật tình báo hữu danh này đã thiệt
mạng trong một vụ bom nổ. Một trái bom kỳ lạ đã nổ trong xe hơi riêng
của ông, trong khi ông đang lái xe trên xa lộ với một người bạn gái. Người
đàn bà này cũng thiệt mạng.”
Hai giờ sau bản tin đặc biệt của đài BBC, phóng viên Phạm Liệu
chuyển đi một bức điện khác, nội dung như sau :
“Tiếp theo vụ ám sát hồi hôm, chúng tôi được biết thêm nạn nhân
dường như là Đại tá Văn Bình, bí hiệu Z.28. Đại tá Văn Bình được coi như
là điệp viên tài ba và đắc lực nhất Nam Việt, và nhất cả Đông nam á. Các
lãnh tụ điệp báo tây phương đều đồng thanh nhìn nhận Đại tá Văn Bình là
một trong 4, 5 điệp viên cừ khôi còn sống trên thế giới.
Chúng tôi nói là “dường như” vì nhà hữu trách điệp báo ở Sài gòn
không chịu tuyên bố gì hết. Tưởng cần nói rõ thêm rằng trong quá khứ,
điệp báo Nam Việt thường giữ thái độ kín miệng. Tuy nhiên, nguồn tin của
chúng tôi rất chính xác. Vả lại, một nhân vật thân cận với ông Hoàng, lãnh
tụ điệp báo Nam Việt, không cải chính tin này.”
Bức điện của Phạm Liệu là một trái bom tin tức, tiếp theo trái bom
nổ trên xa lộ Biên Hòa.
Các hãng thông tấn quốc tế ở Sài gòn vội vàng trích đăng, và phái
nhân viên tới phỏng vấn những nhân vật điều khiển chính quyền.
2 giờ chiều. Phạm Liệu đánh bức điện thứ ba :
“Phát ngôn viên thường lệ của ông Hoàng cho biết là thượng cấp
cấm không được tuyên bố. Vụ ám sát này là một sự thất bại ghê gớm cho
tình báo Nam Việt. Dường như chủ mưu là KGB.
Sở công an gọi điện thoại đến trụ sở Reuter ở Sài gòn, yêu cầu
Phạm Liệu, phóng viên phụ tá người Việt, đình chỉ loạt tin về vụ ám sát.
Giám đốc trụ sở Reuter hỏi lý do thì họ trả lời là theo lệnh trên”.
3 giờ chiều.