đầu có bụng, tôi xin phép ông đại sứ được qua Thái du lịch, và đi luôn cho
đến ngày sinh nở.
Thưa ông, tôi sinh nở rất khó khăn, suýt nữa phải mổ nếu không
gặp y sĩ tận tâm và có tài...
- Bây giờ, tưởng cô nên biết rằng viên y sĩ chăm nom cô trong nhà
hộ sinh gần phi trường Đồn mương là nhân viên của Sở, đặc phái từ Sài
gòn lên. Văn Bình la cà khắp nơi trên thế giới, ở đâu cũng để lại ái tình
vương vãi, song đây là lần đầu tiên, có con chính thức, và nhất là có con
với một nữ nhân viên ưu tú trong Sở. Là Tổng giám đốc, tôi có bổn phận
phải lo liệu giùm cô và Văn Bình, và làm cha tinh thần cho đứa trẻ. Trở về
Vạn Tượng, cô nuôi con ở đâu tôi cũng biết. Cô Quỳnh Loan? Cô đã báo
tin có con cho Văn Bình biết chưa?
- Thưa, khi có mang, tôi viết thư cho Văn Bình. Anh ấy trả lời là
đến ngày sinh nở thì đánh điện để anh ấy lên Lào. Tôi không đánh điện vì
không muốn làm phiền. Vả lại, tôi biết trước là Văn Bình bận tíu tít, nếu
không bận việc công thì lại bận việc tư, không có thời giờ lên thăm con
được.
- Tại sao cô lại gửi con cho dì phước nuôi?
- Thưa, tôi sợ.
- Không có gì cô phải sợ. Bắt đầu từ mai, cô sẽ mang con về dưỡng
đường của Sở, giao cho y sĩ trưởng. Tôi sẽ bố trí chăm nom nó cho tử tế.
Nếu tôi không lầm, nó giống Văn Bình như hệt.
Quỳnh Loan nhìn ông Hoàng, nước mắt chảy quanh :
- Cảm ơn ông. Tôi không ngờ nó giống bố như hai giọt nước. Giống
nhất là cặp mắt. Thưa ông, mắt nó cũng ươn ướt, khô khan, điếm đàng và
lạnh lùng như mắt bố nó. Sau khi ra đời, nó ốm nhom ốm nhách làm tôi hết
sức lo ngại. Nhưng chỉ ba tháng sau, nó lớn nhanh như thổi, và từ bấy đến
nay không hề đau ốm.
- Cô đặt tên cháu là Văn Bình phải không?
Quỳnh Loan giật mình :
- Vâng. Theo quy ước giữa chúng tôi, đứa con chung đầu tiên sẽ
mang tên Văn Bình.