Thánh Thiên nhận định rằng thế nào Tô Định cũng cất quân đánh dẹp quân
khởi nghĩa, bèn bàn với Nam Thành Vương củng cố lực lượng ở Ký Hợp,
còn mình thì về Kinh Môn chiêu mộ nghĩa binh, lập thêm căn cứ và mở
rộng hoạt động bên sông Hồng. Thánh Thiên dặn đi dặn lại Nam Thành
Vương không được khinh địch và phải đề phòng Tô Định đánh bất ngờ.
Nhưng Thánh Thiên vừa đi khỏi Ký Hợp được ba ngày thì Tô Định thân
đem đại quân đến đánh NamThành Vương. Gà chưa gáy sáng, quân Tô
Định đã ồ ạt tràn vào Ký Hợp. Quân Nam chống lại quyết liệt. Nam Thành
Vương bị vây khốn, tử trận ngay trên mình ngựa, tay không rời kiếm. Đào
tướng quân tả xung hữu đột, khắp mình thương tích, cướp được xác Nam
Thành Vương đặt lên ngựa, đi chân đất múa thanh kích, không cho giặc
xâm phạm thi hài chủ tướng. Đào đang trong cơn nguy khốn thì nữ tướng
Ngọc Thuyền phóng ngựa tới cùng Quang Thái xông xáo như hai con hổ
dữ giữa đàn dê, cuối cùng đưa được thi hài Nam Thành Vương vào một
khu rừng hẻo lánh. Chôn cất cho Nam Thành Vương xong, Đào Quang
Thái nghiến răng dậm chân mà rằng : " Ta không bảo vệ được chúa công,
quân tan chúa mất, còn sống làm gì nữa ? " bèn rút kiếm ngắn định đâm
vào họng mình. Ngọc Thuyền vội đưa tay gạt kiếm mà nói : " Chết thì dễ,
nhưng nếu hiền huynh chết, giặc lại càng mừng, hỏi chết như thế có ích lợi
gì hay chỉ mang cái tiếng hèn nhát ? Chi bằng ta thu thập tàn quân về Kinh
Môn tạ tội với nữ chủ soái, xin lập công chuộc tội, lấy máu giặc mà trả thù
cho Nam Thành Vương chẳng hơn ư ! ". Đào Quang Thái nghĩ ra, bèn tạ lỗi
với Ngọc Thuyền, rồi hai người tìm đón các nghĩa quân tản lạc, kéo về Ba
Trại gặp Lý đầu mục.
* * *
Khu Ba Trại có tên chữ là Ngọc Lâm, nhưng nhân dân ở đấy vẫn quen gọi
là Ba Trại. Ba Trại thoạt đầu nằm gọn trong lòng một vùng đồi hoang rộng,
ít người biết tới, còn tên Ngọc Lâm là chỉ chung cả vùng này. Ở rừng Ngọc
tuy chưa ai tìm thấy ngọc nhưng của rừng thì quý giá vô vàn. Đây thật là
nơi anh hùng dụng võ vì địa thế hiểm trở, đường lối quanh co, nhiều tràn