thuyền đi đầu có một chiếc trống cực lớn, các lực sĩ đứng quanh, đầu chỉ
chấm tang trống. Chiếc thuyền đi giữa có dựng một ngọn cờ đại sắc vàng
quắc, hàng chục mái chèo cùng khua sóng, bọt nước tung toé như hoa.
Vĩnh Hoa cùng các đầu mục ngắm mãi không chán. Vĩnh Hoa than rằng : "
Hàng ngũ chỉnh tề, quân uy hùng tráng ! Ta thật còn thua kém. Những
người nhu thế này mà cùng đứng dậy, giặc Hán tất phải ôm đầu cuốn cờ
chạy khỏi đất nước Nam ta ". Bèn truyền lệnh mổ trâu giã bánh khao quân,
giao mọi công việc trong trang lại cho các phụ lão, sáng hôm sau đem hơn
một nghìn sĩ tốt về Mê Linh yết kiến Hai Bà.
Hai Bà Trưng thấy Vĩnh Hoa diện mạo khác thường, lại văn võ kiêm toàn,
nên cũng mười phần yêu mến, phong cho làm nội thị tướng quân, được
theo Hai Bà ở đạo trung quân dự bàn mọi công việc. Quân của Vĩnh Hoa
cũng được phiên chế lại.
Hai Bà đem quân về nghỉ ở Bạch Hạc một ngày, cưỡi ngựa ngắm xem địa
thế, biết đây là nơi hiểm yếu, là cửa ngõ thành Bạch Hạc, nghĩ nhớ tới tổ
tiên, lại nghĩ tới vận nước, trong dạ bồi hồi. Bà Trưng chị quay lại bảo Bà
Trưng em : " Nay mai em phải về đây xây dựng thành nơi cứ hiểm phòng
giữ lâu dài cùng là gìn giữ phần mộ ông cha ". Hôm sau Hai Bà về núi
Hùng làm lễ cáo tế tổ tiên xin phù hộ cho dẹp yên giặc Hán, lấy lại được
nghiệp cũ. Sau đó Hai Bà kéo quân về Hát Môn.
Từ đó lệnh khởi nghĩa truyền đi cả nước, khắp các châu, các huyện, các
làng, các động gươm giáo dựng lên. Các thành trì của giặc Hán lần lượt rơi
vào tay nghĩa quân. Thủ phủ Luy Lâu của Tô Định tan vỡ trước sức tấn
công mãnh liệt của đại quân Hai Bà. Chưa đầy một năm, Hai Bà thu hồi
được 65 thành trì cõi Lĩnh Nam, lên ngôi vua, đóng đô ở đất Mê Linh,
không chịu thần phục nhà Hán.
Trưng nữ vương mở tiệc khánh hạ, khao thưởng ba quân, phong cho các
tướng có công. Vĩnh Hoa được phong công chúa, cho phép lấy trang Tiên
Nha làm thực ấp, cho xây dựng đồn trại bên sông.