trắng. Rồi nào bắp nước, rùa, trẹo, thừng mực, lem, chò, xoan đào, sài, sến,
táu và cơ man nào là cây gỗ quý và các loài cây chưa có ai đặt tên và cũng
chưa ai biết đến bao giờ. Con báo lông vàng pha hoa đen lim dim mắt trên
cành cao. Con trăn đất lười biếng như một thân cây mục im lìm ngủ suốt
ngày bên những tảng dá lớn xanh rêu. Đàn trâu rừng hàm rủ lông dài, chạy
ầm ầm đến bên khe đầm mình làm đục ngầu dòng khe trong vắt. Khỉ từng
đàn kiếm ăn từ rừng này qua rừng khác, kêu chí chóe, nghịch ngợm.
Những người của đồng bằng Thiên Bản đứng trước núi rừng hoang dại cảm
thấy thiên nhiên lớn lao biết bao còn họ thì nhỏ yếu. Họ như bị rừng nuốt
chửng. Rừng như đe dọa và thánh thức. Nhưng người mẹ bốn con trong
bọn họ nói : " Chúng ta ở lại đây và rừng sẽ che chở chúng ta ! ". Từ đó,
rừng chịu thua ý chí của người mẹ, phục tùng và che chở cho người mẹ.
Những người của đồng bằng đến đây đúng vào lúc lá khô vàng trải đầy mặt
đất và hoa dẻ thơm rừng. Khi rừng rời rợi xanh lộc non và lá rừng mướt
xanh mỡ màng thì một trại mới được dựng lên, nhà sàn mái lá. Người mẹ
đặt tên trại mới theo họ của bốn đứa trẻ. Trại mới có tên là trại Mai.
Người mẹ nói : " Làm sao mà ăn mãi củ rừng và thịt rừng ? Chúng ta hãy
rủ dân động cũ cùng chúng ta làm nương và trồng lúa ". Mọi người vui vẻ
làm theo lời người mẹ. Đất rừng trinh nguyên, đất đen tơi xốp dày mùn lá
trổ mầm lúa mới xanh mơn mởn.
Con người cũng như lúa, gặp đất tốt và được chăm bón thì lên nhanh và
khỏe. Ngày lui tháng tới các con của Nàng Hoa đều đã lớn khôn.
Năm Mai Đạt 22 tuổi thì dân châu Nga Sơn đều đã quy phục người mẹ bốn
con. Các chiến hữu của Nàng Hoa từ Thiên Bản và Hoa Lư tìm đến với
nàng. Họ chờ đợi hội giết giặc đã bảy năm rồi mà họ vui mừng nhận hịch
của Trưng nữ chủ từ Mê Linh kêu gọi ho đứng dậy diệt thù.