“Anh có lén nghe không?” Kainene hỏi khi bước vào phòng. Richard
rời cửa sổ nhưng nàng đã chẳng chờ câu trả lời của chàng trước khi nàng nói
thêm, vẻ ôn hòa, “Em đã quên là anh chàng cách mạng này giống một đô
vật, thật thế – nhưng là một đô vật lịch thiệp”.
“Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho mình nếu anh mất em.”
Nét mặt nàng vẫn vô cảm. “Sáng nay em đã lấy hết bản thảo của anh từ
phòng làm việc và đã đốt hết rồi”, nàng nói.
Richard nghe như có một cảm xúc lạ thường dâng lên trong lồng ngực
mình. Một cảm xúc mà chàng không thể diễn đạt thành lời. “Giỏ Chứa Bàn
Tay”, tập hợp những trang viết chàng tự tin có thể in thành sách đã bị tiêu
hủy. Chàng không thể nào có lại niềm hứng khởi tràn trề để viết những câu
chữ như thế. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Vấn để ở chỗ hành động
đốt cháy, tiêu hủy bản thảo của chàng chứng tỏ nàng sẽ không chấm dứt tình
yêu giữa hai người.
Nàng sẽ chẳng làm cho chàng phải đau đớn kiểu đó nếu nàng không ở
lại với chàng. Có lẽ, nói cho cùng, chàng không thật sự là nhà văn. Chàng đã
đọc ở đâu đó rằng với một nhà văn thực thụ, sẽ chẳng có gì quan trọng hơn
tác phẩm của họ, ngay cả tình yêu.
6. Quyển Sách: Thế Giới Im Lặng Khi Chúng Tôi Chết
Ông ta viết về thế giới vẫn giữ im lặng khi người Biafra chết. Ông ta
lập luận rằng người Anh đã chủ trương khuyến khích sự im lặng này. Vũ khí
và những bài học mà nước Anh đã mang đến xứ sở Nigeria là khuôn mẫu. Ở
Mỹ, người ta nói, Biafra “là khu vực lợi ích đặc biệt của Anh”. Ở Canada,
vị Thủ tướng nói đùa. “Biafra ở đâu?” Liên Xô gửi kỹ thuật viên và máy bay
đến Nigeria, sung sướng vì có cơ hội thiết lập ảnh hưởng ở Phi châu mà
không làm mất lòng Mỹ và Anh. Từ quan điểm người da trắng là một chủng
tộc siêu việt, Nam Phi và Rhodesia củng hả hê bởi chứng cứ rõ ràng là
chính quyền tự trị của người da đen luôn đi đến thất bại.