LỜI GIỚI THIỆU
K
hi tới nhà điều dưỡng để thăm anh họ của mình, kỹ sư Hans Castorp
không biết trước rằng, thay vì ở đó một vài tuần như dự định, anh sẽ ở lại
nhiều năm, suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết dày ngàn trang của Thomas
Mann.
Với những người bạn Âu châu mà tôi trở nên đủ thân thiết để hỏi: cuốn
tiểu thuyết nào là cuốn bạn thích nhất, câu trả lời “Núi thần” xuất hiện với
một tần suất lớn đáng ngạc nhiên. Tôi thử tự lý giải như thế này:
Các nhân vật chính hay phụ trong sách: từ Hans Castorp người đi tìm
kiếm ý nghĩa cuộc đời trong khu điều dưỡng cho những người lao phổi,
Joachim Ziemßen người anh họ ốm yếu nhưng chỉ có một hoài bão là được
ra trận, bà Chauchat người phụ nữ mà Hans Castorp yêu trong tâm tưởng và
ghen tuông, bác sĩ trưởng Behrens, nhà hiền triết Settembrini cho đến ông
Pepperkorn, chồng của bà Chauchat người chỉ xuất hiện vào nửa cuối của
truyện, đều là những nhân vật vô cùng đặc sắc.
Đây là một cuốn sách đậm đặc phong vị của châu Âu, đầy sự lịch lãm và
hài hước, những gì mà người châu Âu coi là sự biểu đạt của văn hóa.
Nhưng cái quan trọng nhất có lẽ lại là cái khác. Đó là thái độ của Hans
đối với một cuộc sống tù túng và vô nghĩa, cuộc sống của người bệnh nằm
dài ngoài ban công của tòa nhà điều dưỡng, mình cuộn trong tấm chăn mỏng
dệt từ lông lạc đà, miệng ngậm hàn thử biểu, nằm để chờ đợi một cái gì
khủng khiếp xảy ra, có thể là cái chết, có thể là chiến tranh. Cả chiến tranh
và cái chết sẽ đều tới thật. Tiếp nhận cuộc sống như một tấn bi kịch tàn độc
và vô nghĩa, với một nụ cười tủm tỉm là lựa chọn của Hans, có lẽ của
Thomas Mann và của nhiều người trong số chúng ta.
Ngô Bảo Châu