NHẬP ĐỀ
C
âu chuyện của Hans Castorp mà chúng tôi dự định kể hầu quý vị - không
phải kể về bản thân chàng ta (vì quý độc giả sẽ gặp ở đây một chàng trai trẻ
rất đỗi bình thường, mặc dù cũng không kém phần đáng mến), mà kể về câu
chuyện theo thiển ý của chúng tôi rất đáng lưu truyền (có lẽ cũng nên vì
Hans Castorp xin lưu ý quý vị rằng đây là câu chuyện của chàng ta, và
không phải bất kỳ ai cũng có được một câu chuyện để kể): một câu chuyện
xảy ra đã lâu lắm rồi, có thể nói rằng những lớp rỉ sét lịch sử đã phủ đầy lên
đó, và vì vậy phải được kể bằng thời quá khứ xa xưa nhất.
Điều này chẳng phải là một điểm bất lợi cho câu chuyện, đúng ra phải coi
đó là lợi điểm; vì đã là chuyện kể thì phải xưa cũ chứ, và có thể nói không
ngoa rằng chuyện càng lùi xa vào dĩ vãng lại càng hấp dẫn, càng có lợi cho
bản thân câu chuyện lẫn cho người kể chuyện, kẻ rì rầm đọc thần chú gợi lên
một thời quá khứ chưa khép lại. Tuy nhiên đối với câu chuyện này, cũng như
giờ đây đối với mọi người và dĩ nhiên trong số họ bao gồm cả những người
kể chuyện, phải hiểu rằng: nó già cỗi hơn rất nhiều so với tuổi của mình, sự
già nua tuổi tác không thể tính bằng ngày bằng tháng, không thể tính bằng
những vòng quay của trái đất quanh mặt trời; nói một cách ngắn gọn: mức
độ xa xưa của nó đúng ra không được đo bởi thời gian - một nhận định kín
đáo ám chỉ và lưu ý ta về tính khả nghi và bản chất tráo trở của cái yếu tố bí
hiểm tên gọi thời gian.
Để cho sự việc không bị bao phủ dưới bức màn thiếu tự nhiên, xin được
giải thích: tính cổ xưa của câu chuyện này bắt nguồn ở chỗ, chuyện xảy ra
trước một ranh giới đồng thời là bước ngoặt lịch sử, một vực thẳm xẻ ra
trống hoác trong cuộc sống và trong tiềm thức… Chuyện xảy ra, hay, để
tránh dùng thời hiện tại một cách có dụng ý, chuyện đã xảy ra và đã từng
xảy ra khi ấy, trước kia, vào những ngày xa xưa, trong một thế giới đứng
trước cuộc chiến tranh lớn mở đầu cho biết bao nhiêu sự kiện, và sự mở đầu