LỜI NÓI ĐẦU
(2004)
Mỗi sự thiên phú là một trách nhiệm
Lý do khiến tôi viết về nước Đức là vì từ vài năm qua, phong trào du
học đang rộ lên, số sinh viên muốn đi học Đức tăng vọt, điều ấy rất đáng
mừng, nhưng thông tin về nước Đức lại còn rất ít, dù cơ quan DAAD của
Đức đã có những nỗ lực đáng hoan nghênh trong việc liên tiếp tổ chức
thông tin, giới thiệu rộng rãi về du học Đức. Tôi tự thấy mình là người đã
học và sống nhiều năm ở Đức, cần phải làm một cái gì để giúp sinh viên
trẻ có nhiều thông tin hơn về nước Đức. Nếu chỉ giới thiệu các trường đại
học, hệ thống đào tạo đại học, các ngành học, các loại bằng tốt nghiệp
cũng như những điều kiện đời sống, tài chính để có thể theo đuổi việc học
ở Đức thì đó mới chỉ là những cái bình thường nước nào cũng có thể giới
thiệu được. Nhưng đằng sau đó, người ta sẽ hỏi, nước Đức có những điều
đặc biệt gì, truyền thống gì trong khoa học kỹ thuật, tại sao nên học, và
nên học những gì ở Đức, tại sao ở Đức mà không ở nước khác? Đây là
những câu hỏi quan trọng cần phải giải đáp cho thế hệ trẻ, không chỉ về
nước Đức mà đối với những quốc gia công nghiệp truyền thống khác như
Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, và còn nhiều quốc gia khác nữa. Mỗi quốc gia này
có những chỗ mạnh chúng ta cần phải biết để hướng dẫn, gợi ý cho thế hệ
trẻ định hướng cho mình một cách căn cơ, hơn là để họ đi du học một
cách “ngẫu nhiên” và thiếu thông tin.
Với quyển sách này tôi muốn đề cập đến một phần những câu hỏi trên
cho riêng nước Đức. Nhưng vì sao lại chọn thế kỷ thứ 19 để nói về nước
Đức trong khi chúng ta đang ở đầu thế kỷ thứ 21? Xin thưa, thế kỷ thứ 19
là thế kỷ hình thành xã hội công nghiệp hiện đại của chúng ta ngày nay tại
Châu Âu, Mỹ và Nhật bản. Đó là thế kỷ của những khám phá khoa học kỹ
thuật lớn như thần Prometheus. Trước đây thế giới phải đợi rất lâu mới có
những con người khoa học vĩ đại như Copernicus (đầu thế kỷ 16), Galilei
và Kepler (đầu thế kỷ 17), Newton, Leibniz (cuối thế kỷ 17), tức trung
bình khoảng một thế kỷ. Còn thế kỷ 19 là thế kỷ của những phát minh lớn