Nhưng chiến thắng đó chưa làm thay đổi tình hình ở Mỹ bao nhiêu. Lý
do: còn nhiều dè dặt và thành kiến trong dư luận. Thí dụ Wallstreet ở New
York thì ủng hộ xe hơi với máy chạy điện, trong khi tư bản tài chính ở
Boston thì ủng hộ xe hơi chạy bằng hơi nước.
Nhưng lý do quan trọng hơn cả đã kiềm hãm sự phát triển của xe hơi là
một ngài tên G.B. Selden, ông này không phải là một người thuộc lĩnh
vực khoa học-kỹ thuật, mà là một luật sư về sở hữu sáng chế. Ông có sáng
kiến ghi danh xin bằng sáng chế cho một chiếc xe hơi có động cơ nổ chỉ
có trên bản vẽ.
Sau nhiều lần thay đổi bản vẽ ông đã nộp đơn và quả thật năm 1895
được bằng sáng chế cho cái xe “ma” đó. Tức thì ông bán bản quyền cho
“Electrical Vehicle Comp.”, một tổ chức đang tìm cách chiếm độc quyền
trong nhiếu ngành sản xuất.
Những người sản xuất xe hơi bị đặt trước một sự lựa chọn: hoặc vào
làm công trong đó, thí dụ như trường hợp của Duryea, hoặc phải nộp huê
hồng hàng năm cho hãng này. Henry Ford cũng không thoát khỏi số phận
ấy. Ông này trước đây với sự giúp đỡ của thị trưởng Detroit thành lập
“Detroit Automobile Company” (1899), nhưng trong khi Ford cần một
thời gian chuẩn bị tốt cho những chiếc xe của ông thì các nhà đầu tư của
công ty lại muốn kiếm lãi nhanh, một loại mâu thuẫn điển hình như
trường hợp của Benz và Daimler đã từng gặp,
Cuộc hợp tác đi đến tan vỡ. Một người sản xuất tên Leland mua công ty
đó và Ford bị loại ra. Năm 1903 Ford lại thành lập “Ford Motor
Company” ở Detroit. Mặc dù làm ăn khá ngay từ lúc đầu, nhưng cái bằng
sáng chế của Selden vẫn treo nặng như sao quả tạ trên đầu. Câu chuyện
đấu tranh với Selden còn kéo dài.
Kết quả là mãi đến năm 1911 tòa án mới hủy cái Pa-ten “ma” đó, hay
nói đúng hơn nó chỉ còn đúng cho loại máy 2 thì trong khi đa số các hãng
đều sản xuất máy 4 thì. Từ đó, kỹ nghệ xe hơi Mỹ như được mở cờ trên
đường trống. Thực tế tác dụng của sự phát triển xe hơi ở châu Âu, đặc
biệt ở Pháp ngày càng thúc đẩy và làm chín muồi dư luận ở Mỹ vào cuối
năm 1900, nhất là hiện tượng Mercedes sau đây.