Kế tiếp là ngành khai thác quặng và luyện kim (sắt, thép), huyết mạch
cho công cuộc công nghiệp hóa. Từ cuối những năm 20 đã có sự hiện đại
hóa mạnh mẽ trong ngành này. Kỹ thuật mới đầu tiên -từ nước Anh- là
phương pháp khuấy luyện (Puddelverfahren) nhằm sản xuất sắt có thể uốn
dẻo được. Từ những năm 30 hình thành kỹ thuật cán hiện đại (Walzwerk),
đặc biệt để cán đường ray cho ngành đường sắt. Bước chuyển biến quyết
định là sự chuyển tiếp sản xuất sắt sang thép. Thép cũng rất cứng nhưng
có sức chịu lực lớn hơn, không dễ gãy như sắt (chứa ít cacbon hơn).
Sản xuất thép ban đầu khó khăn, chậm chạp và đắt tiền, sản phẩm
không đồng nhất, và khó cạnh tranh với sắt, cho đến khi các phương pháp
luyện của Bessemer, của Siemens-Martin và nhất là Thomas ra đời, giá
thành sản xuất hạ xuống đến 80,90% đến năm 1895. Năm 1851 Krupp có
thể sản xuất một thỏi thép nặng hai tấn và có thể trưng bày tại cuộc triển
lãm thế giới tại Luân đôn một cách tự hào như một trong những thành tựu
lớn của nước Đức.