thác sâu đến 2.000m và mở rộng khu khai thác của Ruhr ở vùng giữa và
Bắc. Giữa năm 1866 và 1913 sản lượng khai thác than đá tăng lên 8 lần,
từ 24 lên 190 triệu tấn. Số người lao động tăng từ 160.000 (1867) lên
654.000 (1913). Ngoài than đá (Steinkohle) than nâu (Braunkohle, than
non, than linit) cũng được khai thác, liên quan đến việc sản xuất điện,
tăng trưởng rất mạnh trong vùng Köln, từ 11 triệu tấn năm 1873 lên 87.5
triệu tấn năm 1913. Ngành chế biến than cũng quan trọng không kém: chế
tạo than Kok, Brickett, và các hóa chất từ than, như nhựa đường (Teer),
Ammoniak, Benzol và nhất là khí đốt, từ 1910 đã được cung cấp trên thị
trường. Vùng Ruhr vào những năm đầu 1870 đã trở thành trung tâm kỹ
nghệ lớn nhất châu Âu. Chỉ một mình Krupp đã có tới 50.000 công nhân
tại Essen.
Bên cạnh ngành khai thác và luyện kim là ngành chế biến kim loại
(Metalverarbeitung), một ngành có sức tăng trưởng đứng hàng thứ ba.
Ngành này bao gồm chế tạo máy xe, tàu, cơ khí chính xác, kính quang
học, thiết bị, hàng tiêu dùng. Lúc đầu máy dệt, máy hơi nước, máy nông
nghiệp là phổ biến, nhưng dần dần chuyển sang các loại máy khác. Máy
móc ngày càng lớn hơn, nặng hơn, nhất là nhanh hơn và chính xác hơn.
Các cuộc cách mạng động cơ nổ đã được nói ở trên. Năm 1912 có
774.000 động cơ Diesel ở Đức. Một loại máy phổ biến khác là máy may
cá nhân. Năm 1890 Đức sản xuất 500.000 máy, 1907 1.100.000 máy, bằng
một phần ba sản lượng thế giới. Một mặt hàng khác của ngành chế biến
kim loại là xe đạp, bắt đầu sản xuất ở Đức năm 1881, nhưng phải đợi đến
sự ra đời vỏ ruột hơi của Dunlop năm 1888 mới trở thành mặt hàng tiêu
dùng hàng loạt.
Sự phát triển máy công cụ trong các xí nghiệp là khâu quan trọng cho
việc sản xuất. Các máy cắt hiện đại ra đời, cắt nhanh hơn, chính xác hơn
và không gây vết vỡ, cắt thép như “cắt bơ”.
Ngành đóng tàu của Đức trưởng thành những năm 70 và 80, Đức
không còn đặt hàng ở Anh nữa mà tự chế tạo tàu cho mình. Năm 1900 tàu
được trang bị động cơ Diesel và năm 1910 động cơ turbine.