Nhà nước Phổ đã sáng suốt, thấy được quyền lợi tối thượng của đất
nước ở đại học, cái xương sống của sự phát triển đất nước trong cuộc
chạy đua đang diễn ra. Việc bổ nhiệm các tài năng nghiên cứu trẻ vào các
vị trí giáo sư hàng đầu đã trở thành truyền thống của Đại học Đức. Goerge
Bancroft đã viết cho Chủ tịch Kirkland của Harward 1920: “Không một
chính quyền nào hiểu tốt làm cách nào để tạo ra đại học và trung học như
chính quyền Phổ.”
Đặc biệt nhà toán học Jacobi đã xây dựng được trường phái của ông tại
Königsberg (cùng với Franz Neumann và Bessel) với một ảnh hưởng
mạnh mẽ vượt ra khỏi biên giới của Königsberg và của nước Đức, ra
ngoài lĩnh vực toán học của ông, và ảnh hưởng đó vẫn tiếp tục thăng hoa
30 năm nữa sau khi ông mất. Cá tính mạnh, sự say mê toàn diện của ông
đã không để một tài năng nào trong đám thính giả “thoát khỏi” ảnh hưởng
trí tuệ của ông.
Tinh thần chuyên sâu khoa học của ông ảnh hưởng đến mọi đại học
Đức và đẩy lùi được dần dần các khuynh hướng bách khoa từ chương
thống trị lúc bấy giờ. Học trò của ông được bổ nhiệm làm giáo sư đến các
đại học khác của Đức. Ảnh hưởng của ông lan đến các nhà giáo tương lai
đang được đào tạo tại đại học và những người làm chính sách giáo dục,
mà cao điểm là chính sách thi cử của Phổ cho các nhà giáo tương lai năm
1866, đòi hỏi các nhà giáo tương lai phải có những kiến thức về các
ngành hình học, giải tích và cơ học giải tích cao cấp, để có thể tự nghiên
cứu một cách thành công.
Tại Pháp những nhà toán học trẻ đang lên của những năm 40 cũng tự
nhận là học trò của Jacobi như Hermite và Liouville. Ở Anh có Cayley.
Các nhà thiên văn học của nhiều nước đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của
ông.