Một trong những người có những đóng góp lớn lao trong việc phát triển
nhân tài khoa học Đức là Alexander von Humboldt, ngoài những đóng
góp lớn của ông trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Ông là thành viên của
Hàn Lâm Viện Khoa Học Phổ (Preußische Akademie der Wissenschaften)
năm 1805, là người đầu tiên được vua Phổ cho hưởng mức lương cao mà
không bị ràng buộc bởi trách nhiệm nào cả (Einstein là người sau cùng
như thế). Ông nhiệt tình giúp đỡ các nhà khoa học hay nghệ sĩ, kể cả tặng
tiền giúp đỡ những người khác khi ông đã nghèo đi. Mỗi năm ông nhận
được 3.000 lá thư và tự tay trả lời khoảng 2.000 lá. Bên cạnh ông là
Wilhelm von Humboldt, anh của ông, ở cương vị bộ trưởng giáo dục, là
người thành lập đại học Berlin, đã đặt những chuẩn mực và chính sách
nhìn xa trông rộng cho nó, cũng như cho cả nền giáo dục Đức như đã
trình bày trên.
Hệ thống đại học Đức đã cuốn hút nhân tài của đất nước và tuyệt đại đa
số nhân tài khoa học tên tuổi đều nằm trong hệ thống đại học. Các trào
lưu khoa học tiên phong ở Đức đều ở trong lòng đại học, trong khi ở Anh
và Pháp hầu như ở ngoài. Mục tiêu của đại học Đức là khoa học, nghiên
cứu, và đào tạo tài năng cho nghiên cứu. Nền đại học Đức là một khuôn
mẫu, điển hình được ngưỡng mộ bởi cả thế giới ở thế kỷ 19. Nó tượng
trưng cho tinh thần bác học và khoa học Đức. Người Pháp Ferdinand Lot
trong quyển sách L'enseignement supérieure en France năm 1892 đã viết