Cứ xét mặt cụ, thì cũng là tay đáo để, thâm trầm lắm, nhưng đáo để
thâm trầm ở đâu, chứ đối với khách mua hàng, cụ rất dịu dàng, ngọt ngào,
vui vẻ, nhất là rất lễ phép.
Cái lễ phép ăn người của nhà buôn, vì thỉnh thoảng nể lời ăn nói, cách
cử chỉ của cụ, nhiều người phải vui lòng, miễn cưỡng mua một thứ hàng
không vừa lòng.
Tôi lập tâm xem mặt cô con gái cụ mãi mà chẳng ăn thua. Một lần xin
được tiền nhà may bộ quần áo tây mới, tôi quyết vào hàng cụ, dù đắt rẻ thế
nào cũng được một dịp làm quen, để bận này còn bận khác. Tôi yên trí tài
nào cũng gặp mặt cô con gái cụ, nhưng ngờ đâu số tôi đen, đã cố chọn vải,
đo người, dằng dai cho đến hàng giờ đồng hồ, mà không gặp, tôi đành
ngậm bồ hòn ra không. Giá luật cho phép khách mua hàng được nằm ăn vạ
lỳ tù tì ở nhà chủ, cho đến khi thấy mặt cô con gái thì tôi cũng chẳng về!
Cụ Đại Ích tiếp tôi rất lễ phép. Cứ những lời cụ rót vào tai tôi, thì tôi
tưởng dẫu cụ đã tính bộ quần áo ấy đắt hơn hiệu khác ba đồng bạc, nhưng
tôi cũng không dám ân hận chút nào. Mà giá cụ làm ơn thả ngay tiểu thư
nhà cụ ra cửa hàng cho tôi được ngắm, thì dù cụ cưa nặng mấy, tôi cũng
phải cố nhắm mắt, nhắm mũi mà thọc tiết ví!
Đây những câu sau này, tôi nhắc lại các ngài nghe xem có ngọt ngào
không:
- Bẩm ông, từ đầu mùa rét năm nay, chúng tôi được nhiều ngài chiếu
cố may cái hàng này lắm.
- Nào, bác cai đâu ra đo hầu ông.
- Xin phép ông để cái này bên này!
Cách tiếp khách của cụ Đại Ích làm cho tôi ngượng nghịu quá chừng,
bởi vì tôi mới ba tuổi toẹt, chỉ bằng con rể cụ là cùng, mà cụ lại gọi là ông!