Hanna khẽ kéo tay anh. “Tôi không có hứng trò chuyện dông dài đâu nhé!”,
cô càu nhàu. Họ bước chậm lại và đợi cho những người kia rời đi. Rồi hai
người ngồi xuống và chào hỏi Jim. Jack thấy chiếc ghế anh ngồi hãy còn
hơi ấm. Họ hỏi Jim về dự tính chuyển hướng.
Ông ngồi tựa lưng vào ghế, khẽ di ngón tay quanh viền của tách espresso
đậm đặc. Lần nào gặp nhau, ông cũng đang uống cà phê. Và trông ông lúc
nào cũng vô cùng điềm tĩnh như thể vừa bước ra khỏi một lớp học yoga.
“Khi còn làm việc ở Intel, có một câu chuyện chúng tôi thường nhớ đến khi
phải đối mặt với những quyết định nan giải. Vào những năm 1980, các công
ty Nhật ngày càng chiếm thị phần lớn hơn trong lĩnh vực sản xuất con chip
bộ nhớ. Doanh thu của Intel sụt giảm trầm trọng, có hàng trăm cuộc tranh
luận nội bộ nổ ra và lần nào cũng gay gắt khủng khiếp”, Jim nói. “Cho đến
một ngày, khi Andy Groove và Gordon Moore trao đổi về vấn đề của Intel,
Andy Groove nhìn ra cửa sổ và thấy chiếc đu quay khổng lồ trong công
viên giải trí Great America ở phía xa. Ông quay sang Gordon và hỏi: ‘Nếu
chúng ta bị sa thải và Hội đồng quản trị thuê một CEO mới, anh nghĩ người
đó sẽ làm gì?’. Gordon trả lời không do dự: ’Anh ta sẽ ngưng sản xuất con
chip bộ nhớ chứ sao!’. Nhờ câu nói đơn giản đó, Andy chợt lóe lên ý tưởng.
Ông nói: ‘Vậy tại sao tôi và anh không bước ra khỏi cửa, quay trở vào và tự
mình làm điều đó?’”
“Phần còn lại của câu chuyện thì hai người biết rồi đấy”, Jim nói tiếp. “Điều
đó đã thúc đẩy Intel đạt được những thành công to lớn hơn. Sau này, Intel
luôn sử dụng bài kiểm tra ‘cánh cửa xoay’ cho những quyết định thật sự nan
giải. Chúng ta hãy thử nghĩ xem, nếu một người không phải chịu gánh nặng
cảm xúc luyến tiếc về quá khứ rực rỡ của doanh nghiệp thì người đó sẽ làm
gì?”. Jim ngừng lại để nhấp một ngụm cà phê.
“Vậy thì, nếu các bạn là CEO mới của công ty, các bạn sẽ làm gì?”