tướng tư lệnh quân đoàn 1, được lệnh ngừng công tác hai tuần trong khi cơ
quan an ninh tiến hành điều tra. Lê Văn Kim, thiếu tướng, giám đốc trường
Học viện quân sự Đà Lạt, em rể của Trần Văn Đôn bị bắt giam. Ba viên
tướng này được coi là những người thân Pháp. Hầu hết những người bị bắt
đều chưa được đưa ra xét xử. Một số phần tử chống đối bị thủ tiêu bí mật.
Hai phi công trẻ trong lực lượng không quân đã ném bom và bắn súng phá
hủy nửa tầng trên phía bên trái dinh Độc Lập, bên dưới là nơi làm việc của
Ngô Đình Nhu. Một người là Nguyễn Văn Cử đã bay sang Phnôm Pênh và
xin cư trú chính trị. Người thứ hai là Phạm Phú Quốc bị bắt. Máy bay của
Quốc khi oanh tạc đã bị trúng đạn của bộ phận bảo vệ Phủ tổng thống từ
dưới bắn lên. Quốc không thể bay tiếp, phải hạ cánh xuống bờ sông Sài
Gòn. Quốc chưa chịu khai kẻ nào đã xúi giục Quốc và Cử làm việc này.
Biến cố 27 tháng 2 đã mang lại một sự tiến triển mới trong mối quan hệ
giữa Hai Long và Nhu.
Buổi gặp lần thứ hai sau khi dinh Độc Lập bị ném bom, Nhu hỏi Hai Long:
- Anh nhiều tên quá! Tên thật của anh là gì?
Hai Long hơi chột dạ. Nhìn sắc thái Nhu vẫn bình thường, anh nói:
- Người ta quen gọi tôi bằng tên theo những công việc mà tôi đang làm.
Hồi còn làm việc cho Việt Minh, tôi lấy bí danh là Vũ Ngọc Nhạ. Khi về
với cha Hoàng, cha đặt tên cho là Hoàng Đức Nhã theo họ của cha. Còn
chính tên bố mẹ đặt là Vũ Đình Long.
- Anh trùng tên với gia dình này. Bốn anh em chúng tôi đều có tên là Long.
- Quả là tôi chưa biết.
- Đức cha Ngô Đình Thục là Hồng Long. Tổng thống là Bạch Long. Chú
Cẩn là Hắc Long. Còn tôi là Thanh Long. Đó là tên gọi trong gia đình.
- Những tên đó rất hay! - Hai Long tán dương. - Nghe tên là nghĩ đến
người, không thể lầm được.
- Tôi muốn đặt tên anh là Hoàng Long, ý anh thế nào?
- Đó là một vinh dự lớn đối với tôi.
- Anh sẽ về hẳn đây làm cố vấn cho tôi. Như thế sẽ hình thành một Polit
Bureau[3] 4 người,
có chuyện gì sẽ cùng bàn bạc.