chắn là như vậy.
- Rất cảm ơn ông. Theo ông nghĩ thì ai sẽ tiến hành đảo chính?
- Chắc không ngoài giới quân sự, những người từ trước tới nay không tán
thành ông Diệm và ông Nhu. Nhưng các ông phải biết hơn chúng tôi?
- Không hẳn vậy. Chủng tôi muốn có sự thay đổi, muốn Việt Nam cộng hòa
có một chính phủ chống Cộng hữu hiệu hơn. Nhưng chúng tôi chưa biết rõ
ai có khả năng này. Số tướng lĩnh tỏ vẻ bất bình với ông Diệm, ông Nhu
không ít, nhưng không hiểu ai dám làm việc đó?
- Ông Diệm tin là có thần linh phù hộ. Còn ông Nhu có những biện pháp
cứng rắn của mình. Đảo chính chắc sẽ nổ ra. Nhưng chưa chắc người làm
đảo chính sẽ giành thắng lợi.
- Vì vậy họ còn e ngại? - Conien nhìn Hai Long chăm chú.
- Tôi nghĩ như vậy. Người ta sợ ông Nhu, người ta còn sợ cả phía người
Mỹ. Phương ngôn Việt Nam có câu: “Qua cầu rút ván!”. Người làm đảo
chính lo nếu nửa chừng bị Mỹ bỏ rơi, họ sẽ không có đường về. Họ đã có
những kinh nghiệm đau xót.
- A...! - Conien reo lên - Có tâm lý như vậy ư?
- Chắc chắn là có. Còn một điều quan trọng hơn... Nếu ông Diệm, ông Nhu
đổ, ai sẽ là người thay thế? Mọi người đều chưa tìm ra lá bài. Như ý của
chính phủ Mỹ: muốn có một chính phủ chống Cộng hữu hiệu hơn, người
nào có khả năng làm được việc đó? Theo ông, có thể là ai?
Conien không trả lời, gật gù:
- Những vấn đề ông nêu lên rất hay. Xin hết sức cám ơn ông về cuộc gập
gỡ bổ ích này. Nó sẽ giúp cho chúng tôi suy nghĩ thêm nhiều vấn đề. Nếu
ông đồng ý, chúng ta sẽ còn những cuộc trao đổi...
Ngoài Bình An, Tòa thánh Vatican ở Sài Gòn, dinh Gia Long, Hai Long đã
có thêm một mối quan hệ thứ tư: tòa đại sứ Mỹ.
4.
Sau khi xảy ra vụ Phật giáo, Ngô Đình Diệm mỗi ngày càng tỏ ra mệt mỏi
và bấn loạn tinh thần. Cái chết của Nguyễn Tường Tam, vụ tiến công nửa
đêm về sáng ngày 20-8 (Diệm đồng tình với Nhu về chủ trương nhưng
không bằng lòng vì Nhu đã làm quá mạnh tay, huy dộng cả quân đội