biên. Theo lời nói lại, trong suốt 4 năm ở tù, ông ta không có một lời oán
thán.
Một xe trang bị máy truyền tin đỗ ở gần nhà Mã Tuyên, giữ liên lạc giữa
Diệm với dinh Gia Long, thành Cộng hòa và những nơi khác.
2.
Lúc 12 giờ đêm, Lâm Văn Phát đưa quân vào chiếm thành Cộng hòa. Binh
lính tại đây đã bị dội khoảng 400 trái đại bác, sau khi biết tổng thống đã rời
khỏi dinh Gia Long, bèn bảo nhau “tùy nghi di tản” trước đó nửa giờ. Ngay
trong đêm đó, Phát được Hội đồng tướng lĩnh đề bạt từ đại tá lên thiếu
tướng.
Tôn Thất Đính thấy binh lính tham gia đảo chính đã quá mỏi mệt, đề nghị
với Hội đồng tướng lĩnh cho nghỉ vài giờ đề bổ sung trang bị, đạn dược,
chuẩn bị tiếp tục tiến công dinh Gia Long trước khi trời sáng. Hội đồng
tướng lãnh đồng ý, nhưng nhắc Đính cần cố gắng giải quyết sớm vì trận
đánh đã quá kéo dài.
Lúc 3 giờ sáng ngày 2 tháng 11, một sĩ quan từ dinh Gia Long gọi điện
thoại cho Trần Thiện Khiêm, đề nghị đừng bắn phá dinh, vì tổng thống và
ông cố vấn đã rời khỏi đây. Trong quá trình đảo chính, Khiêm đã có đôi lúc
dao động vì thấy thương Diệm. Khiêm ngầm bảo trung tá Phạm Ngọc Thảo
đi tìm Diệm, lát sau mới nói cho Hội đồng tướng lĩnh biết tin này.
Các tướng lĩnh sững sờ.
Viên đại tá Conien tức điên người:
- Các ông phải tìm ra Diệm và Nhu với bất kỳ giá nào!
Những sĩ quan ở dinh Gia Long nhiều lần được những người đảo chính gọi
điện thoại khuyên đầu hàng.
Lúc 5 giờ sáng, phía trước dinh xuất hiện một lá cờ trắng.
Xe thiết giáp và bộ binh của quân đảo chính tiến vào. Hai chiếc xe đi đầu
lần lượt bị bắn nổ tung. Một số lính đảo chính bị gục dưới làn đạn. Có
những binh lính bảo vệ Phủ tổng thống đứng khuất, không nhìn thấy cờ
trắng xuất hiện trước dinh, nên vẫn nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra trong ít
phút. Lính phòng vệ vội hạ súng khi đã rõ lệnh của những người chỉ huy.
Trong số họ chỉ có một người chết. Đó là một viên trung úy sau khi thấy