rượi, đưa cha Hoàng và anh về thị trấn. Xe dừng lại bên một cái hồ.
Nhìn thấy những cặp trai gái, những cặp vợ chồng dắt theo con nhỏ đi dạo
quanh hồ. Hai Long chạnh lòng nhớ tới vợ con. Vợ con anh đã phải chịu
đựng bao nhiêu hy sinh nhưng chưa bao giờ được hưởng những giây phút
thảnh thơi. Ước gì có một ngày nào đó, anh được cùng gia đình lên đây,
anh cũng sẽ đưa vợ và các con đi dạo như thế kia... Với công tác của anh,
không thể nói chắc ngày mai ra sau, mọi trò giả tạo này đều chỉ là tạm thời,
sự yên ổn chỉ tính từng giờ.
Cha Hoàng nói:
- Không biết cái biệt thự số 2 nó ở đâu? Thầy đã tới Đà Lạt bao giờ chưa?
- Thưa, con tới đây lần đầu.
Cha Hoàng trỏ cái hồ:
- Hồ Xuân Hương... Sáng nay nghỉ ngơi ở đây cho thầy ngoạn cảnh thị xã,
chiều vào trong đó, hay sáng mai vào cũng được.
Hai Long theo cha Hoàng thủng thỉnh đi dạo trên đường phố ngắm những
quầy hàng mỹ nghệ với những ngôi nhà sàn, những chiếc thuyền buồm,
chân dung những cô gái được tạo ra bằng gỗ thông, những cửa hàng bày
toàn quần áo len, dạ dùng cho mùa lạnh. Thấy Hai Long mải mê nhìn các
quầy hàng, cha Hoàng nói:
- Mấy thứ này ở Sài Gòn thiếu chi!
- Thưa cha, ở Sài Gòn, con chưa bao giờ đi dạo phố xem hàng. Từ những
mẩu gỗ thông mà người ta có thể tạo ra những đồ kỷ niệm đẹp nhường kia.
Bây giờ mới nhớ ra con người có lúc cần tới những đồ len dạ, thấy nhớ
miền Bắc cha ạ...
Cha Hoàng dường như thiếu tự nhiên vì chiếc áo choàng thầy tu đã làm cho
nhiều người chú ý. Kể ra một người đã xa lánh cuộc đời trần thế, không nên
có những giờ dạo chơi ngắm nhìn phố xá.
Hai Long có cảm giác lâng lâng bay bổng. Không khí trong lành của vùng
núi cao bỗng chốc làm cho anh khỏe hẳn ra, cơ thể như trẻ lại, tràn trề sức
sống. Anh thấy yêu mọi cảnh vật, mọi con người ở đây. Họ đều như không
có liên quan tới cuộc sống đấu tranh gay gắt ở Sài Gòn.
- Lạy cha ạ.