năm với ông Diệm, ông Nhu ma không bị quyền hành làm say mê, làm việc
nhiều năm với người Mỹ mà không bị chủ nghĩa vật chất cám dỗ, đức tin
Thiên chúa giáo không hề bị xói mòn, và trái lại, ngày càng trở thành con
chiên ngoan của Giáo hoàng Paul VI. Nếu được đấng bề trên trao nhiệm vụ,
tin rằng không bao lâu nữa, thầy Nhã sẽ xứng đáng với danh hiệu
Vaticaniste[4].
Hồng y phủ dụ đôi lời, rồi nêu lên một loạt câu hỏi về thái độ của Phật
giáo, của chính quyền quân sự đối với Thiên chúa giáo, về tình hình giáo
hội với những tổ chức như Khối công dân Công giáo đại đoàn kết của cha
Hoàng, Hội đồng tôn giáo của linh mục Hồ Văn Vui...
Rồi Hồng y nói:
- Thầy hiện nay giữ một vai trò quan trọng trong tình hình quốc trưởng là
một tín đồ Thiên chúa giáo dựa vào giáo hội, lại có quan hệ tốt với cả quốc
trưởng và Mỹ. Vai trò của thầy càng quan trọng đối với một giáo hội đang
được sự thử thách của Chúa!
- Trình Đức cha, con xin được phép hỏi, Đức Thánh cha có truyền phán cho
giáo hội Việt Nam phải làm gì và làm như thế nào cho hợp ý, đẹp lòng
Ngài? Con vẫn hằng nguyện là đày tớ trung thành của Ngài, là một vệ sĩ
của giáo hội.
Hồng y Pignedoli nhìn anh với cặp mắt trìu mến:
- Đức Thánh cha cũng đã được nghe Đức Khâm sứ tâu trình về thầy. Sang
đây, tôi mới hiểu rõ thầy hơn. Vì thầy là người sẽ lãnh đạo giáo dân thực
hiện ý nguyện của Đức Thánh cha, nên tôi cần nói riêng thầy rõ, Đức
Thánh cha chủ trường đứng trên, đứng ngoài cuộc chiến tranh Việt Nam, để
hòa giải đôi bên tham chiến với cơ sở tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc
Việt Nam. Đức Thánh cha muốn rằng hòa bình sẽ phải đến với dân tộc Việt
Nam, phải gắn liền cuộc tìm kiếm hòa bình này với cuộc vận động hòa bình
mà Giáo hoàng đang tiến hành, và giáo hội Việt Nam cần phải tồn tại trong
lòng dân tộc Việt Nam đau khổ và anh dũng này. Giáo hội đã trao cho thầy
một gánh nặng là làm theo lời phán của Chúa: “Bình an cho trần thế!”. Đức
Khâm sứ Palmas và cha Hoàng có sứ mạng dìu dắt thầy thực hiện ý của
Giáo hoàng... Nhân danh Đức Giáo hoàng, chúc lành thầy...