Hai Long một lần nữa quỳ tới hôn nhẫn. Anh giữ nguyên tư thế “quỳ lạy và
thần phục” để bày tỏ sự ngoan ngoãn vâng theo lời đấng bề trên.
Hồng y làm dấu thánh rồi đỡ Hai Long đứng dậy:
- Thầy ráng cứng lòng với quỷ dữ cám dỗ là “quyền lực và tiền bạc”
- Con xin hứa giữ lòng trong sạch không để tiền bạc của Mỹ cám dỗ và
quyền hành của Thiệu lung lạc.
Pignedoli lại làm dấu thánh giá rồi trao cho anh một cuốn Kinh thánh bằng
chữ Latin và một tấm ảnh của Giáo hoàng Paul VI.
Cha Hoàng khoe ngay với O’Connor cuộc gặp giữa Hồng y Pignedoli,
trưởng phái đoàn Tòa thánh La Mã với Hai Long. Cha không đả động gì tới
những khuyến cáo của Paul VI. Ông thừa biết vị linh mục Mỹ đang đi tìm
chiến thắng quân sự cho Johnson không khoái gì cuộc vận động hòa bình
của Vatican. Cha cũng báo tin ngay cho cha Nhuận và cha Lãm để kể lại
với Thiệu. Hai cha nhân dịp này tranh thủ đề cao uy tín của người Phát
Diệm, coi đây là một vinh dự lớn cho cả khối Công giáo di cư, và trong
khối này, Hai Long được đánh giá cao hơn những người khác.
Trung tâm rất chú ý tới những ý kiến của Pignedoli. Những chỉ chị của
Giáo hoàng Paul VI phù hợp với chủ trương của ta, tạo những điều kiện
thuận lợi cho hoạt động của Hai Long.
Anh lại có thêm những tên mới: Vaticaniste, Pauliste[5].
3.
Ngày 24 tháng 10, Mỹ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh Mỹ, Úc, Philipin,
Thái lan, New Zealand, Nam Triều Tiên và Nam Việt Nam ở Manila, bàn
về “hòa bình và tiến bộ ở châu Á và Thái Bình Dương”. Ngày 26 tháng 10,
tổng thống Mỹ Johnson tới Cam Ranh trên đường trở về Mỹ, hứa hẹn sẽ
viện trợ đầy đủ cho Việt Nam cộng hòa để giành chiến thắng trong cuộc
chiến tranh chống Cộng.
O’Connor đã nói lại cho Hai Long biểt trước mục đích của Hội nghị Manila
là nhằm thống nhất tư tưởng và huy động khả năng đóng góp của những
nước đồng minh với Mỹ tại châu Á vào cuộc chiến tranh Mỹ đang tiến
hành ở Việt Nam.