qua những ngẫu nhiên mà những quy luật được khẳng định, lịch sử xã hội
của con người phát triển. Nhưng với từng dân tộc, với từng con người thì
nhiều khi nó rất mù quáng. Phải chăng chính vì nó mà người ta tin vào số
mệnh? Nếu không có buổi sáng mùa hè năm ấy thì chưa biết cuộc đời anh
sẽ rẽ theo hường nào và chắc chắn giờ này anh không ở đây.
Sau ngày đảo chính mồng 9-3-1945, cuộc sống của cậu giáo ở Hà Nội
không có gì thay đổi. Anh vẫn ở nhà Tú Uyên, tiếp tục kèm cặp cho cậu em
cô gái chẳng quan tâm tói chuyện học hành hơn chút nào. Sáng hôm đó,
như thường lệ, anh dậy sớm, chạy một vòng quanh mấy phố Duvignaud, Lê
Lợi. Một tờ báo dán trên bức tường quét vôi vàng bao quanh nhà máy Diêm
đập vào mắt anh. Gần đây anh thường nghe người ta nói Việt Minh hay dán
báo và rải truyền đơn ở những nơi công cộng. Đây chăng? Anh tò mò muốn
biết Việt Minh nói gì. Anh bỏ dở buổi tập thể dục.
Lần đầu anh được biết muốn giành được độc lập thì phải đồng thời đánh
Pháp và đuổi Nhật. Việt Minh tố cáo chính sách bòn rút thóc lúa của cả
Pháp và Nhật đã dẫn đến nạn đói của hàng triệu đồng bào hiện nay. Việt
Minh hô hào phá các kho thóc, lấy thóc chia cho người nghèo. Từ cuối năm
trước, gia đình anh ở Thái Bình đã gửi thư lên nói quê anh có rất nhiều
người chết đói. Lúc này anh mới hiểu nạn đói do đâu. Và chỉ có Việt Minh
mới thực sự chú ý tới số phận những con người làm nên thóc gạo, nhiều
tháng nay từ những vùng thôn quê kéo ra vật vờ như những bóng ma trên
đường phố, nhặt từng chiếc lá bánh, từng hạt cơm rơi vẫn không khỏi chết
gục vì đói. Mỗi dòng chữ đều khiến người anh gai lên. Những tình cảm xót
thương, phẫn nộ mỗi lúc càng nung nấu trong đầu. Anh chăm chú đọc hết
tờ báo không để ý đến nhiều người đã đứng vây quanh anh.
Trên đường về nhà, anh như bừng tỉnh giấc khi nghe có tiếng gọi. Một
thanh niên mặc bộ quần áo xanh đứng bên cổng một ngôi nhà ở xế cửa,
chăm chú nhìn anh, hỏi:
- Cái gì ở đó thế cậu?
- Báo Cứu quốc của Việt Minh.
- Trong báo nói gì?
- Nhiều cái hay lắm, anh tới ngay mà coi, kẻo lát nữa họ xé mất!