với ông Kỳ, nhưng việc nhỏ qua nhiều người, ông Kỳ lại có cớ trách ta.
Mấy ngày sau, Hai Long tới dinh Độc Lập, thấy chiếc trực thăng của Kỳ đỗ
trên bãi cỏ trước dinh. Vợ Thiệu gặp anh với nụ cười đắc thắng:
- Nhà tôi thoát nạn rồi! Chiều qua tôi nói với ông Kỳ, tôi định trồng mấy
cây bông trên sân thượng, để những khi làm việc mệt, ông Thiệu lên đó
ngắm cảnh, nhưng cái trực thăng quạt gió quá chừng, hư hết bông. Ổng nói:
“Tôi sơ ý, sao ông Thiệu không nói sớm với tôi một câu?”. Và bữa nay, ổng
cho máy bay đậu xuống bãi cỏ rồi.
Hai Long đem những lời nói bữa trước, thuật lại với Thiệu, Thiệu vằn mắt:
- Tôi là tổng thống, tôi làm việc theo đúng hiến pháp. Hiến pháp có ghi
tổng thống làm việc chi cũng phải hỏi ý kiến quân ủy đâu? Quân ủy là cái
chi, tôi cũng chưa biết trong đó có những ai! Nhờ ông giáo cứ nắm chắc
cho phía người Mỹ, tôi gạt xong ông Lộc thì ông Kỳ chẳng còn chi đáng lo.
Hai Long tiếp tục ru ngủ Thiệu bằng những tin tức ngày càng nhiều về mối
hiểm họa đối với quân Mỹ trong mùa khô này trên đường số 9. Anh rỉ rả
góp phần khuyên can, “dàn xếp” mối bất hòa ngày càng trở nên sâu sắc
giữa Thiệu và Kỳ. Câu chuyện về đề tài này chiếm nhiều buổi anh vào làm
việc trong dinh. Vợ Thiệu tham gia một cách hăng hái, theo kiểu hoàn toàn
phụ nữ của bà ta, nhưng không phải là không có ảnh hưởng đáng kể tới
Thiệu. Những lời khuyên can của anh với cả hai bên nhiều lúc càng như lửa
đổ thêm dầu.
5.
Những ngày đầu năm 1968 trôi qua một cách vô cùng chậm chạp.
Sài Gòn ngày càng chìm đám trong cơn lốc cuồng nhiệt của những chuyện
buôn bán, tranh chấp, lừa đảo, chợ đen, làm giầu. Cùng với dollar đỏ[1],
dollar xanh, hàng PX[2], hàng siêu thị, bạch phiến... mọi thứ đều trở thành
thương phẩm. Nhân phẩm con người bị hạ tới giá thấp nhất. Gái điếm, ma
cô, du đãng, khất thực, những nạn nhân của chiến tranh, xuất hiện ngày
càng nhiều. Làn sóng của những người dân tị nạn tiếp tục từ các vùng nông
thôn đổ vào, làm cho Sài Gòn trở nên ngột ngạt.
Trung tuần tháng Giêng, Trần Thiện, từ căn cứ sư đoàn bộ binh Mỹ ở Lai