mất thời giờ.
Hai Long cho xe vòng lại, tìm một con đường ra bờ sông ở phía dưới, một
nơi khá xa chỗ Mỹ đóng quân. Hồi lâu, anh mới tìm được một con đò
ngang. Anh đưa xe xuống đò, qua sông.
Bình An ở phía trước. Mặt trời sắp lặn, nhưng những chiếc trực thăng vũ
trang vẫn quần đảo trên đầu. Chúng vãi đạn xuống cánh đồng. Từ phía
dưới, từng loạt đạn bắn lên. Rõ ràng là bộ đội ta ở đó. Có thể họ đã vào
Bình An. Lòng anh rộn lên những tình cảm thân thiết. Mười lăm năm qua,
lúc nào họ cũng vẫn ở bên anh, nhưng bây giờ anh sắp sửa lại nhìn thấy họ.
Anh không biết những tin tức của mình đã được chuyển về Trung tâm hay
chưa. Sau khi súng nổ, liên lạc khó giữ được như cũ. Ít nhất cũng phải báo
cho đơn vị bộ đội này biết các con đường vào thành phố đã bị quân Mỹ
chốt chặn.
Đường đi Bình An vắng ngắt. Lá cờ Chữ Thập Đỏ ở đầu xe đã giúp Hai
Long tới Bình An trôi lọt. Gần tới đầu đường, anh nhìn thấy những chiến sĩ
mặc quân phục, màu xanh lá cây, đội mũ tai bèo. Xem lẫn với họ có cả
những thanh niên đầu trần, mặc sơ mi kẻ ô vuông và quần bò. Họ trang bị
súng trường, tiểu liên, trung liên và cả súng chống tăng. Một số bộ đội ở rải
rác trên cánh đồng chung quanh, đang chiến đấu với trực thăng Mỹ. Bộ đội
ta đang bố trí đề phòng địch từ phía Chợ Lớn tiến ra. Trực thăng địch đã
tránh không nã đạn vào khu vực nhà thờ.
Hai Long đoán đơn vị bộ đội này chờ khi trời tối để tiến vào Sài Gòn. Rất
nhiều chiến sĩ còn trẻ măng. Nước da phần đông xanh xao. Nhiều người đã
vượt suốt dọc Trường Sơn đầy bom đạn tới đây. Họ nhìn anh với cặp mắt tò
mò. Mọi vật ở đây đều mới lạ đối với họ. Anh muốn ôm lấy họ như đã ôm
lấy bé Liên khi thấy con trở về. Nhưng anh phải kìm lại đề phòng cặp mắt
của giáo dân ở những ngôi nhà quanh đó.
Một anh Giải phóng đứng tuổi, nhô lên bên cạnh đường, giơ tay ra hiệu cho
Hai Long dừng xe.
Anh xuống xe nói:
- Tôi ở Ủy ban Công giáo quốc tế cứu trợ nạn nhân chiến tranh, tới xứ đạo
Bình An.