- Ông Johnson tuyên bố tìm kiếm “hòa bình trong danh dự” có nghĩa là
sao?
- Tôi hiểu tinh thần của nó là, Mỹ muốn rút quân ra khỏi chiến tranh mà
không mất mặt, không phải là vì Mỹ thua trận, và cũng không bị mang
tiếng là bán đứng đồng minh. Chỉ có cụ thể hóa điều này mới khó. Ta còn
chưa biết cái giá phải trả mà Mỹ sẽ chấp nhận trong cuộc tìm kiếm này!
- McNamara đã nói cụ thể hơn: “Sự cam kết của Mỹ chỉ bảo đảm cho dân
Việt Nam có thể định đoạt tương lai của họ, không phải là bảo đảm cho
việc nắm quyền của một cá nhân hay một nhóm người”! Định quay về với
hiệp định Genève năm 1954 hay sao? Đâu phải ổng nói với Việt Cộng mà
nói với chính mình! Không phải là bán đứng đồng minh đó sao?
- Ta không cần quan tâm nhiều đến lời McNamara, coi như ổng đã ra đi.
- Nhưng người còn ngồi ở Nhà Trắng cũng không nói điều gì tốt lành hơn!
Herman Kann, cố vấn của Johnson, cũng vừa tuyên bố: “Người Việt Nam
cần phải làm cái phần của họ trong khế ước song phương Mỹ - Việt, nếu họ
không làm thì chúng ta có thể nói chúng ta không có nghĩa vụ gì với họ”.
Còn ông khách quý tới đây bữa trước thì nói, Mỹ không vì cứu ta mà phải
cùng chết chìm với ta! Cả cố vấn và phái viên của tổng thống đều nói giống
nhau!
Hai Long hiểu là Thiệu dành thời giờ nghiên cứu kỹ những lời tuyên bố của
các nhân vật Nhà Trắng thời gian gần đây.
- Những điều anh vừa nhắc, đều đáng phải lưu tâm. Ta đã biết Mỹ cần Việt
Nam cộng hòa sớm muộn phải tự đảm đương lấy cuộc chiến để Mỹ rút
quân ra.
- Nhưng họ chỉ đòi hỏi ở ta mà không nhắc nhở gì tới những cam kết của
chính phủ Mỹ với Việt Nam cộng hòa trước đây! Họ đang muốn cái chi?
Và theo anh, mình có khả năng làm những chi?
- Đòi hỏi trước mắt của họ, như chính ông linh mục bữa trước nói rõ, Việt
Nam cộng hòa phải có một chính phủ mạnh. Điều này tôi nghĩ ta có thể làm
được, mà chính đó cũng là việc anh đang dự định tiếp tục làm.
Thiệu ngồi lặng thinh. Thấy Thiệu chịu chuyện, Hai Long nói tiếp:
- Đòi hỏi thứ hai của họ, các ông phái viên đều nhắc tôi về trình lại với tổng