đối những lời phân tích hơn thiệt của anh, nhưng sau đó y đã làm theo ý
của mình. Anh định hôm sau sẽ vào gặp Thiệu. Cha Nhuận từ trong dinh
về, chuyển lời Thiệu mời anh sáng mai thế nào cũng tới sớm để hội kiến.
Sáng mồng 3, Hai Long vừa tới nơi làm việc, thì Thiệu sục vào.
- Tôi mời anh vô sáng nay, vì 9 giờ phái đoàn Bernard Trọng sẽ tới báo cáo.
Anh cùng nghe với tôi. Giờ có mấy chuyện phải bàn gấp với anh.
- Cả ngày qua, tôi phải làm việc với các cha. Cũng định sớm nay vào gặp
anh.
- Anh lên phòng làm việc riêng của tôi, ta cùng trao đổi.
Tới phòng làm việc của Thiệu, y không hỏi thăm tin tức như mọi lần, vào
chuyện ngay.
- Tôi phải kể lại anh nghe về cuộc gặp gỡ Bunker. Ông già rất trắng trợn,
không phân bua, giải thích về hành động của Mỹ như mình chờ đợi, mà nói
thẳng thừng: “Việt Nam cộng hòa cần phải ngồi vào bàn thương lượng với
Mặt trận Giải phóng, vì Washington và Hà Nội đã thỏa thuận với nhau như
vậy. Mặt trận Giải phóng đã đáp ứng ngay lời mời của Mỹ, thành lập xong
phái đoàn để sang Paris. Còn về phía Việt Nam cộng hòa thì tuy tổng thống
Johnson nói là “có thể tham dự”, đó là theo phép ngoại giao, còn Việt Nam
cộng hòa về quyền lợi của mình, “có bổn phận phải tham dự”! Đó, anh
xem... lão già còn nói, nếu mình không nhận lời thì Mỹ vẫn cứ tiến hành
hội dàm, và sẽ thành hội nghị tay ba! Tôi không chịu nổi, nhưng cố bấm
bụng trả lời lão già, Việt Nam cộng hòa không chống nói chuyện với Mặt
trận Giải phóng, nhưng không tham dự cuộc họp ngày 6 tháng 11 như như
tổng thống Mỹ đã quyết định, vì không thể nào chuẩn bị kịp người đi dự.
Lão bảo tôi: “Vấn đề thừa nhận Mặt trận Giải phóng, vấn đề liên hiệp với
Cộng sản thì Mỹ không ép buộc phải có ý kiến ngay, nhưng riêng việc tới
dự hòa đàm Paris thì tổng thống Mỹ đã tuyên bố rồi, Việt Nam cộng hòa
cũng phải tuyên bố chấp nhận nói chuyện với Mặt trận Giải phóng!”. Tôi
làm thinh không trả lời. Lão già tức giận bỏ ra về.
Hai Long lẩm bẩm:
- Tình hình này ta cũng đã dự kiến. Bunker phải thực hiện bằng được sứ
mạng Johnson đã trao.