Đối với tín đồ Thiên chúa giáo, tự sát là một trọng tội.
Cha Hoàng cũng khuyên Hai Long giống như lời Khâm sứ. Ông bàn chuẩn
bị cho anh một số nơi ẩn náu kín đáo trong tu viện, khi cần có thể đưa anh
tới ở đó mà vẫn tiếp tục trao đổi được cùng mình công việc của giáo hội.
Cha Nhuận chuyển cho Hai Long bức thư của linh mục Phan Thụ xứ Phát
Diệm, khuyến cáo anh xét lại thái độ nhiệt tình ủng hộ Thiệu là một kẻ
không trung thực, hay lừa thầy phản bạn. Cha Nhuận rất lo ngại cho Hai
Long khó tránh được trường hợp của Nhu hoặc cha Mai Hữu Khuê.
Ngày 22 tháng 6, Hai Long tới dự lễ khánh thành đài kỷ niệm quốc tế tại
đường Duy Tân. Sau buổi lễ, Nguyễn Văn Hướng lại gần, kéo anh ra một
chỗ vắng rỉ tai:
- Xin báo riêng anh biết là anh Trọng đang bị theo dõi chặt chẽ, vì hình như
có liên hệ với lực lượng thứ ba gì đó. Tôi tình cờ hay chuyện này nên nói
để anh dè chừng, lỡ công an nó gây lôi thôi rắc rối, phiền cả tới các cha.
Hướng có vẻ chân tình. Anh làm ra ngạc nhiên:
- Không hiểu tại sao lại có chuyện đó? Tôi rất cảm ơn anh có lòng tốt nói
cho tôi biết để đề phòng. Tôi vẫn đinh ninh anh Trọng là người của Mỹ!
- Từ hồi tháng 3, tôi đã nhờ anh khuyên anh Trọng nên rời khỏi phủ tổng
thống theo ý kiến của ông Thiệu, cũng vì lý do đó anh à.
Ngày 29 tháng 6 là ngày lễ mừng thánh Paul và thánh Pierre, thánh bổn
mạng của cha Hoàng và của Hai Long. Các nhà thờ xứ đạo di cư đều tổ
chức lễ cầu nguyện cho cha Hoàng và Hai Long. Tại hai nhà thờ Phát
Diệm, Bình An, cha Nhuận và cha Hoàng đã cầu nguyện riêng cho Hai
Long được “ơn chết lành”, tức là trước khi chết không phải chịu phép giải
tội, phép thêm sức, phép xác mà vẫn được trong sạch, vô tội để Chúa đón
hồn về Thiên đàng không qua trung gian cầu xin của linh mục.
Cha Hoàng tổ chức tiệc mừng tại nhà thờ Bình An. Một số người thân thiết
được mời dự, như linh mục Trần Ngọc Nhuận, cha tuyên úy bộ Tổng tham
mưu Khổng Tiến Giác, người thường cùng cha Nhuận vào làm lễ tại dinh
Độc Lập, trung tá Nguyễn Ngọc Hoàn, công cán ủy viên Phủ tổng thống,
Vũ Ngọc Tuyến, chuyên viên về luật pháp của Phủ tổng thống. Từ sau ngày
đi Mỹ về, Tuyến bắt đầu gọi Hai Long bằng chú và xưng cháu, bày tỏ tình