Bản. Ngài toàn quyền đã mất tinh thần trước cả nội dung của tối hậu thư và
thời hạn hai giờ đồng hồ để ông ta phải đưa ra quyết định.
Sự nghiêm trọng của tình hình rõ ràng khiến tất cả lo lắng. Decoux không
thể đồng ý với những yêu cầu của Nhật trừ phi mất sự tín nhiệm mà có lẽ
ông ta có với chính phủ Pháp của de Gaulle. Nếu đầu hàng, ông ta dường
như sẽ trở thành kẻ cộng tác và thậm chí có thể là phản bội trong mắt cả
người Pháp ở thuộc địa và chính quốc. Nhưng nếu không đồng ý, ông ta sẽ
để mất một mục tiêu từng mẫn cán theo đuổi kể từ khi thay Catroux năm
1940: duy trì Đông Dương thuộc Pháp. Decoux trả lời rằng ông ta cần phải
bàn bạc với các chỉ huy quân đội Pháp trước khi đưa ra quyết định. Cả
Decoux và Mitsumoto đều biết rằng ông ta đang cố kéo dài thời gian. Đến
8 giờ 15, Matsumoto, tương đối tự tin về cuộc đảo chính sắp xảy ra, cáo từ
Decoux.
Ngày 9 tháng 3, khi mặt trời lặn, trong "sự im lặng chết người" theo sau sự
ra đi của viên đại sứ, Jean Decoux quan sát nghi lễ hạ cờ Pháp hàng ngày
và lo lắng không biết điều gì sẽ đến vào sáng hôm sau.
Căn cứ vào dự đoán của Decoux thì ông ta chẳng thể làm được gì nhiều.
Ông ta nhanh chóng triệu tập các thành viên cao cấp trong ban tham mưu
của mình, các quan chức dân sự và quân đội cấp cao có mặt tại Sài Gòn để
phổ biến cho họ diễn biến của tình hình và tất cả đều cho rằng các yêu cầu
của Nhật không thể chấp nhận được.