Lệnh trưng thu liên tục thóc gạo của Nhật tại Việt Nam, kết hợp với những
yếu tố khác, đã gây ra nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Những đòi hỏi quá lớn về gạo của Nhật, sự phá huỷ các tuyến đường sắt và
vận tải ven biến do những đợt ném bom của Đồng Minh gây ra, thêm vào
đó là nạn lụt dữ dội và những cơn bão có sức tàn phá mạnh đã đẩy nông
dân vào cảnh khốn cùng. Bắt đầu từ năm 1941, nạn đói tiếp tục trở nên tồi
tệ hơn sau đảo chính. Mặc dù các quan chức Nhật tại Việt Nam đã báo cho
Tokyo rằng "tựu chung giá cả không tăng đáng kể và đời sống kinh tế của
người dân hầu như không thay đổi", nhưng họ đã không đả động gì đến
thực tế đáng sợ của tình hình. Với sự thiếu gạo nghiêm trọng, giá cả đã tăng
chóng mặt. Vào thời gian xảy ra đảo chính, giá cả ở Hà Nội đã tăng gấp 5
lần so với 5 năm trước khi Nhật đến Việt Nam. Vì vậy nói rằng "đời sống
kinh tế của người dân hầu như không thay đổi" chính xác một cách đau
lòng: người Việt vẫn chết hàng ngày vì đói và thiếu đinh dưỡng. Vậy mà,
như Elliott mô tả, "hàng ngày các quan chức Nhật vẫn đến để đốc thúc các
yêu cầu của họ. Chúng muốn nhiều gạo hơn ngay khi người dân đang chết
đói".