dân Việt Nam thà được Pháp ban cho độc lập còn hơn là để Nhật làm việc
đó".
Tuy nhiên, khi tình hình xảy ra, Nhật đã cơ bản thay đổi thái độ và nhiều
người Việt Nam đã nhìn nhận Pháp trên những phương diện mới. Trong tác
phẩm viết về gia đình mình có tựa đề Cây liễu kinh thiêng: Bốn thế hệ
trong đời một gia đình Việt Nam, Dương Văn Mai Elliott đã gọi lại những
trải nghiệm của cha bà vào ngày sau đảo chính. Cha của Elliott, Dương
Thiệu Chi, là một viên quan thành đạt làm việc cho chính quyền thực dân
Pháp, "chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc một dân tộc châu Á lại có thể đánh đổ
người Pháp và thoát khỏi ách thống trị của họ". Dương Thiệu Chi đang dự
họp cùng ngài thủ hiến thì công sứ Pháp "ào vào phòng" cho biết quân Nhật
đang đuổi theo ông ta và cầu xin được giúp đỡ. Elliott viết rằng trước khi
cha bà "có thể bình tĩnh lại do bị sốc khi phải chứng kiến một người Pháp
quá khiếp đảm cầu xin cứu giúp", thì một viên đại uý Nhật xuất hiện.
Người Nhật cúi chào họ rất lịch sự đoạn tiến thẳng về phía người Pháp".
Hai quan chức người Việt "không dám can thiệp" khi viên đại uý "dùng đốc
kiếm của y đánh tới tấp vào đầu ngài công sứ pháp".
Cho dù nhiều người rõ ràng đã vui mừng trước cảnh người Pháp bị Nhật
làm nhục, nhưng một số như Dương Thiệu Chi cảm thấy rằng vị thế của họ
trở nên khó khăn hơn. "Với việc không còn Pháp làm tấm bình phong nữa",
Elliott diễn tả, "cha tôi bị đẩy ra mặt đối mặt với họ (người Nhật) ông nhận
thấy các viên chức mà ông tiếp xúc đều có giáo dục và nhã nhặn, nhưng
cũng rất tàn nhẫn khi cưỡng bức thi hành những yêu sách của họ về lương
thực và lao động, đồng thời cũng nhẫn tâm trước những tác động mà những
yêu sách đó gây ra cho người Việt Nam".