xa để "ủng hộ việc duy trì các đế quốc châu Âu tại châu Á nhằm ngăn chặn
Liên Xô giành ảnh hưởng" - một quan điểm rõ ràng sẽ chia rẽ Donovan với
người của ông tại Việt Nam nếu họ biết điều đó.
Mặc dù giấc mộng của Donovan về một cơ quan tình báo thời bình rốt cục
cũng trở thành hiện thực với việc thành lập Cơ quan Tình Báo Quốc Gia
(CIA), nhưng không phải vào năm 1945 và cũng không phải dưới quyền
điều hành của Donovan. "Bill liều" Donovan trở lại cuộc sống dân thường,
và sau ngày 1 tháng 10 "các thành viên OSS" vẫn ở chiến trường được xếp
vào Đơn vị Tình báo Chiến lược (SSU) trực thuộc Bộ Chiến tranh. Ở đó họ
sẽ hoàn thành nốt nhiệm vụ và chờ đợi rút quân.
OSS là mục tiêu chỉ trích kể từ khi cơ quan tiền nhiệm của nó, COI, ra đời.
Chỉ trích vẫn tiếp tục khi chiến tranh kết thúc, và cuộc tranh cãi về những
đóng góp của tổ chức này vào nỗ lực chiến tranh nói chung vẫn tiếp tục cho
tới hiện nay. Vài nhà phê bình buộc tội OSS là cực tả và đặc biệt đã viện
dẫn cách xử sự của tổ chức này đối với những người cộng sản nổi tiếng;
ngược lại, những người khác lại buộc tội OSS theo chủ nghĩa bảo thủ chính
trị cánh hữu rút cục đã cản trở khả năng của cơ quan này trên chiến trường.
Dĩ nhiên, sự thực nằm ở đâu đó giữa hai ý kiến. Có lẽ sự ca ngợi công bằng
nhất đến từ khoảng giữa này: "Mặc dù có một vài thiếu sót OSS là hiện
thân của một ý thức hệ tự do của Mỹ, tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân đạo, chủ
nghĩa lạc quan và nghĩa hiệp…". Chắc chắn nhiều nhân viên nam nữ của
OSS đã làm việc một cách mẫn cán trong suốt chiến tranh sẽ đồng ý với
đánh giá cuối cùng này - đặc biệt là những người đã phục vụ tại Đông Nam
Á và tin rằng nỗi khiếp đảm của họ trước những việc làm quá đáng của chủ
nghĩa thực dân đã bào chữa cho sự ủng hộ không dứt khoát của họ đối với
các phong trào đòi độc lập mới nảy sinh.