dầu. Cậu cũng chứng kiến cảnh địa chủ Việt Nam xử tệ với các tá điền, và
qua đó cậu trở nên cảm thông với những người bị tước đoạt. “Đó là lý do
tôi rất tôn trọng người Mỹ. Họ dạy tôi phải biết giúp kẻ hèn yếu”, Ẩn nói.
(19)
Tháng 10 năm 1945, Ẩn rời trường trung học ở Cần Thơ và gia nhập
lực lượng Việt Minh chuẩn bị vào rừng để đánh Pháp. Khi tàu chiến Pháp
bắn phá Hải Phòng vào tháng 11 năm 1946, chiến tranh toàn diện đã nổ ra
giữa Pháp và Việt Minh. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, ông Hồ ra lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không
chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta
phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không
phần chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng
lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm
dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải
ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất
nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy
sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất
muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”
Nhưng rồi Ẩn đã không thể vác súng hay gậy để lao vào cuộc chiến
này. Cậu buộc phải trở lại Sài Gòn vào năm 1947 để chăm sóc người cha
đang bị bệnh lao rất nặng. Tại đây, cậu trở thành người tổ chức các cuộc
biểu tình của sinh viên, học sinh nhằm phản đối người Pháp và sau này là
người Mỹ. Ẩn còn nhớ rất rõ một ngày vào tháng 3 năm 1950, khi chiến
hạm USS Richard B. Anderson thăm Sài Gòn, mang theo hàng tiếp tế giúp
quân Pháp chống lại Việt Minh.(20) Cậu là một trong những người tổ chức
các cuộc xuống đường phản đối chiếc tàu Mỹ neo đậu tại cảng Sài Gòn.
Sự nghiệp lãnh đạo biểu tình của Ẩn nhanh chóng kết thúc khi cấp trên
trực tiếp là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nói với cậu rằng cách mạng có nhiệm
vụ mới giao cho cậu. Bác sĩ Thạch, một phụ tá thân cận từ rất sớm của Hồ
Chí Minh, bảo Ẩn không được tham gia bất cứ cuộc xuống đường nào để
tránh bị bắt hoặc bị chú ý. Ẩn cảm thấy băn khoăn và thất vọng, trong lòng