- Không. Họ nói là Cơ quan cơ. Tên tắt là NSA.
- Tớ chưa nghe thấy bao giờ.
Becker kiểm tra trong Danh bạ của GA022 (Tổng cục Kế toán) song cũng
chẳng tìm được manh mối gì. Không còn cách nào khác, Becker đành gọi
cho một người bạn thân cùng chơi bóng quần trước đây một cựu chuyên gia
phân tích chính trị đã giải nghệ và đang làm nhân viên nghiên cứu tại Thư
viện Quốc hội. Anh bị bất ngờ trước những gì bạn mình nói.
NSA không chỉ tồn tại thật mà còn được coi là một trong những tổ chức
chính phủ có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Từ hơn nửa thế kỷ qua, nó
đã thu thập các dữ liệu tình báo điện tử trên toàn cầu và bảo vệ thông tin
tuyệt mật của Hoa Kỳ. Chỉ 3 phần trăm người dân Hoa Kỳ được biết tới sự
tồn tại của tổ chức này.
- NSA - ông bạn của Becker đùa - tức là "No Such Agency" (1)
Một chút rụt rè cộng với tò mò, Becker nhận lời mời của cơ quan bí hiểm
kia. Anh lái xe vượt 37 dặm đường để tới trụ sở làm việc rộng tới 86 mẫu
và ẩn mình kín đáo trong khu rừng núi của Fort Meade, bang Maryland.
Sau khi làm thủ tục ở hàng loạt trạm kiểm soát và được cấp một tấm giấy
thông hành dành cho khách trong vòng 6 giờ có dán ảnh ba chiều, anh được
hộ tống tới một cơ sở nghiên cứu bề thế và lộng lẫy. Các nhân viên nói anh
sẽ ở đây cả buổi chiều để "hỗ trợ mà vẫn không biết gì về nội dung" cho
Ban Mật mã - một nhóm gom toàn những bộ óc siêu phàm về toán học mà
người ta vẫn gọi là các chuyên gia giải mã.
Trong một giờ đồng hồ đầu tiên, các chuyên gia giải mã dường như không
hề để ý tới sự có mặt của Becker. Họ vây quanh một chiếc bàn khổng lồ và
nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ mà Becker chưa nghe thấy bao giờ.
Họ nói về các dòng mật mã, các cơ chế thập phân, các giao thức, các điếm
đồng nhất. Becker theo dõi nhưng không thể hiểu được họ đang trao đổi