ngoài, điều ấy không thể có được. Biết được bậc thiện tri thức trong tự tâm
mình, lập tức đạt được giải thoát. Nếu tự tâm mình tà mê, vọng niệm điên
đảo, thì dù có bậc thiện tri thức bên ngoài đi nữa cũng chẳng thể nào cứu
mình được. Nếu như không tự ngộ được, cần phải lấy trí tuệ Bát nhã ra quán
chiếu, thì trong một sát na các vọng niệm đều bị tiêu diệt ngay. Nếu như
nhận ra được rằng mình chính là thiện tri thức của mình, một khi giác ngộ là
lập tức biết Phật. Nếu nơi tự tánh tâm dùng trí tuệ quán chiếu, trong ngoài
đều sáng sủa thông suốt, lập tức mình hiểu bổn tâm của mình. Nếu biết bổn
tâm, thì đó chính là giải thoát. Đã được giải thoát, thì đó chính là Bát nhã
tam muội. Giác ngộ được Bát nhã tam muội, chính là vô niệm. Vô niệm là
gì? Pháp vô niệm có nghĩa là mặc dù mình thấy tất cả các pháp, song mình
không chấp trước vào bất cứ pháp nào, lưu hành khắp mọi nơi, mà không
chấp trước vào bất cứ một nơi chốn nào, thường thanh tịnh tự tánh, khiến
sáu tên giặc theo sáu cửa mà ra. Mặc dù ở trong lục trần, song không xa lìa
mà cũng không bị tạp nhiễm, đi lại tự do. Đó chính là Bát nhã tam muội, tự
tại giải thoát, gọi là vô niệm hành. Nếu không nghĩ đến gì cả, luôn luôn tuyệt
niệm, như thế có nghĩa là bị trói buộc trong pháp, đó gọi là biên kiến. Một
khi ngộ được vô niệm pháp, thì vạn pháp đều thông suốt. Ngộ vô niệm pháp
tức là thấy cảnh giới của chư Phật. Ngộ được pháp môn đốn vô niệm, tức là
đạt đến cảnh vị Phật.
32. Này các thiện tri thức, người đời sau nếu ngộ được pháp của tôi sẽ
thấy được rằng Pháp thân của tôi sẽ chẳng cách xa chư vị. Này các thiện tri
thức, hãy đem pháp môn đốn giáo này, cùng nhau quán sát và tu hành, phát
nguyện thọ trì. Đó chính là phụng sự Phật, cho nên những ai suốt đời thọ trì
mà không thối chuyển, thì sẽ được nhập thánh vị. Nay tôi muốn truyền thọ
pháp môn này, song từ xưa đến nay, pháp này chỉ được trao truyền trong im