dòng nước lại đều cùng chảy vào biển, biển nạp tất cả các thứ nước, hợp lại
thành một thể. Trí Bát nhã của bổn tánh chúng sanh cũng y như thế.
29. Những kẻ có căn cơ thấp khi nghe giảng giáo lý đốn ngộ này, cũng
giống như những loại cây cỏ gốc cạn trên mặt đất này, nếu như bị một cơn
mưa lớn đổ xuống, đương nhiên sẽ bị ngã đổ, không sanh trưởng được nữa.
Những kẻ có căn cơ thấp cũng y như thế. Họ cũng là những “người” vốn sở
hữu trí Bát nhã chẳng có khác gì với bậc đại trí, song vì sao mà họ dù có
nghe pháp mà cũng vẫn chẳng giác ngộ? Chính bởi vì tà kiến ngăn chặn
nặng nề và phiền não bắt rễ sâu xa. Cũng giống như mây lớn che phủ mặt
trời, nếu không có gió thổi cho mây tan, mặt trời không thể nào hiển hiện
được. Trí Bát nhã vốn chẳng có lớn nhỏ, chỉ bởi vì tất cả chúng sanh, tự có
tâm mê mờ, đi tu tập tìm kiếm Phật ở bên ngoài, cho nên chưa ngộ được tự
tánh mình. Song ngay cả những kẻ với căn cơ thấp, nếu như được nghe giáo
lý đốn ngộ, không còn tin nơi pháp ngoại tu nữa, mà chỉ nơi tự tâm mình
thường khởi chánh kiến, thì mặc dù họ là những chúng sanh đầy những
phiền não trần lao, họ vẫn lập tức giác ngộ như thường. Cũng giống như
biển lớn bao gồm các dòng nước, hợp tất cả nước lớn nước nhỏ thành một
thể. Đây gọi là kiến tánh. Người hiểu như vậy không đình trệ bất cứ ở bên
ngoài hay bên trong, đi lại tự do, trừ được tâm chấp trước, thông đạt vô ngại.
Nếu trong tâm mình tu được pháp môn này thì bổn tánh mình sẽ chẳng có gì
khác biệt với kinh Bát Nhã Ba La Mật.
30. Tất cả kinh sách và văn tự, thuộc Tiểu thừa Đại thừa, mười hai bộ
kinh, đều vì con người mà thiết lập. Nhân vì trí tuệ trong tự tánh của con
người mà mới có thể kiến lập được. Nếu như chúng ta là những người không
sẵn sở hữu trí Bát nhã nơi mình, tất cả vạn pháp vốn không thể hiện hữu.